Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

100% nạn nhân buôn bán người được tiếp nhận hỗ trợ ban đầu

(Dân sinh) - Trung tá Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng 5, Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, 100% nạn nhân buôn bán người được tiếp nhận hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Ông Hùng cho biết thêm, Việt Nam xác định phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, quán triệt tư tưởng, lấy phòng ngừa là chính, tạo ra những bước đột phá nhằm ngăn chặn, giảm cơ bản tình trạng mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế, ưu tiên ký kết và tổ chức triển khai các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới, với các nước trong khu vực, các nước có đông người Việt Nam bị mua bán.

100% nạn nhân buôn bán người được tiếp nhận hỗ trợ ban đầu - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán người trở về.

Bộ Công an tham mưu Chính phủ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người... Hiện, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định song phương giữa Việt Nam - Malaysia; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar về hợp tác phòng, chống mua bán người. Việt Nam cũng tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan về phòng, chống, mua ban người.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và Thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn (GCRs) do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp; phòng chống di cư trái phép và buôn bán người; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.

Đại diện Bộ Công an cho biết, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng công an, biên phòng đã điều tra, khám phá 236 vụ, bắt 308 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Viện kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 118 vụ, với 203 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết, xét xử 145 vụ, với 255 bị cáo phạm các tội về mua bán người. 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mua bán người là một trong những tội xâm phạm nghiêm trọng quyền con người. Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp khác nhau nhưng tình trạng mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Việc hỗ trợ nạn nhân được các cấp chính quyền quan tâm nhưng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có quy định cụ thể chính sách, dịch vụ hỗ trợ, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ ở từng giai đoạn, dẫn đến việc thực hiện chồng chéo hoặc không thực hiện được. Các nạn nhân chủ yếu được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường, trong khi nhiều nạn nhân đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, mắc bệnh lây nhiễm cần chữa trị ngay. Việc hỗ trợ học nghề cho nạn nhân cũng chưa hiệu quả…

Bà Dương cho biết thêm, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 09/2013, ngày 11/1/2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống mua bán người. Nghị định sửa đổi lần này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định số 09/2013, hướng dẫn Luật Phòng chống mua bán người. Đồng thời, hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách để hỗ trợ toàn diện và hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán, nhằm đảm bảo tốt nhất để nạn nhân bị mua bán được nhận sự hỗ trợ cần thiết và có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Gọi ngay đến Đường dây nóng phòng, buôn bán người 111 (miễn phí, hoạt động 24/7) nếu bạn ở một trong những trường hợp sau:

-Được đề nghị kết hôn với một người nào đó ở nước ngoài hoặc địa phương khác mà bạn không biết về họ.

- Bạn làm việc không được trả lương hoặc không được tự do rời khỏi khu làm khi hết giờ.

- Bạn buộc phải lao động hoặc làm những việc trái với pháp luật.

- Bạn được đề nghị một công việc làm xa nhà và băn khoăn xem nó có tốt và an toàn không?

- Bạn bị ép buộc hoặc dụ dỗ tham gia hoạt động tình dục.

-Bạn được đề nghị mang thai và/hoặc phải giao con mới sinh cho người khác.

- Bạn trở về nhà sau khi trải qua những điều trên và cần hỗ trợ về tâm lý, pháp luật, việc làm.

- Bạn biết những người đàn ông/phụ nữ hay trẻ em ở một trong những tình huống trên.