Trước Ngày của Mẹ (ngày 10/5), UNICEF ước tính khoảng 116 triệu trẻ em sẽ được sinh ra trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Dự tính những trẻ em này sẽ được sinh ra trong vòng 40 tuần sau khi COVID-19 được công bố là đại dịch vào ngày 11 tháng 3 – đại dịch hiện đang khiến cho hệ thống y tế và chuỗi cung ứng vật tư y tế bị quá tải trên toàn thế giới.
Những người phụ nữ mới làm mẹ và trẻ sơ sinh sẽ phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt, UNICEF cho biết, các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trên toàn thế giới như phong tỏa và giới nghiêm; trung tâm y tế quá tải với các nỗ lực ứng phó; thiếu nguồn cung ứng và trang thiết bị; và thiếu người đỡ đẻ có kỹ năng như các nhân viên y tế, bao gồm nữ hộ sinh, đã được huy động để hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Trước Ngày của Mẹ, được kỉ niệm vào tháng Năm hàng năm ở hơn 128 quốc gia, UNICEF cảnh báo rằng các biện pháp kiểm soát COVID-19 có thể làm gián đoạn những dịch vụ y tế như chăm sóc khi sinh, khiến cho hàng triệu bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh rơi đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.
Các quốc gia có số lượng ca sinh dự kiến lớn nhất trong 9 tháng tới kể từ khi đại dịch được công bố bao gồm: Ấn Độ (20,1 triệu), Trung Quốc (13,5 triệu), Nigeria (6,4 triệu), Pakistan (5 triệu) và Indonesia (4 triệu). Phần lớn ở các quốc gia này tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh rất cao thậm chí từ trước đại dịch và nhiều khả năng tỷ lệ này sẽ còn cao hơn trong dịch COVID-19. Ước tính, Việt Nam sẽ có hơn 1,5 triệu ca sinh trong năm 2020.
Các quốc gia giàu có hơn cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tại Hoa Kỳ, quốc gia đứng thứ sáu về số lượng trẻ sơ sinh dự kiến, hơn 3,3 triệu trẻ sơ sinh được dự kiến sẽ chào đời trong giai đoạn từ 11 tháng 3 đến 16 tháng 12. Tại New York, vì nhiều phụ nữ mang thai lo lắng về việc sinh con tại các bệnh viện, các cơ quan chức năng đang tính sử dụng các trung tâm sinh nở thay thế.
UNICEF cảnh báo rằng mặc dù các bằng chứng cho thấy bà mẹ mang thai không có nguy cơ cao bị nhiễm COVID-19 so với những người khác, các quốc gia vẫn cần đảm bảo rằng họ có thể tiếp cận các dịch vụ trước, trong và sau sinh. Tương tự, trẻ em sơ sinh bị ốm cần các dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp vì các em có nguy cơ tử vong cao. Các gia đình mới có con cần hỗ trợ để bắt đầu cho con bú, có thuốc men, vắc-xin và dinh dưỡng để duy trì sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ước tính 2,8 triệu bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm (cứ 11 giây lại có 1 người tử vong). UNICEF kêu gọi cần ngay lập tức đầu tư cho các nhân viên y tế được đào tạo đúng chuyên môn, được trang bị thuốc men cần thiết để đảm bảo rằng mọi bà mẹ và trẻ sơ sinh đều được chăm sóc an toàn nhằm phòng tránh và điều trị các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình mang thai, chuyển dạ và đẻ.
"Ngày của Mẹ năm nay buồn, vì nhiều gia đình buộc phải cách ly trong giai đoạn đại dịch do vi-rút corona gây ra," Bà Fore nhận định. "Nhưng đây cũng là thời điểm cho sự đoàn kết, là lúc tất cả chúng ta cùng hội tụ thành một khối thống nhất. Chúng ta có thể bảo vệ mạng sống bằng cách đảm bảo rằng mọi bà mẹ mang thai đều được hỗ trợ để sinh nở một cách an toàn trong những tháng tới".
Trước đây, hàng triệu bà mẹ đã bắt đầu hành trình nuôi con và làm mẹ trong một thế giới kiểu cũ. Giờ đây, các bà mẹ phải chuẩn bị tinh thần đón đứa con của mình chào đời trong một thế giới đã thay đổi – một thế giới mà các bà mẹ mang thai sợ đến trung tâm y tế vì lo lây nhiễm, hoặc không kịp được chăm sóc khẩn cấp do các dịch vụ y tế đang bị quá tải và do phong tỏa. Thật khó tưởng tượng được đại dịch do vi-rút corona gây ra đã làm thay đổi hành trình làm mẹ như thế nào.
Bà Henrietta Fore, Tổng Giám đốc Điều hành UNICEF
Thay mặt cho các bà mẹ trên toàn thế giới, UNICEF khẩn thiết kêu gọi các chính phủ và các cơ quan cung ứng dịch vụ y tế cần bảo vệ mạng sống của bà mẹ trong những tháng tới đây bằng cách:
Hỗ trợ phụ nữ mang thai được kiểm tra sức khỏe trước sinh, được đỡ đẻ bởi nhân viên có kỹ năng, nhận được các dịch vụ chăm sóc sau sinh và chăm sóc khác có liên quan đến COVID-19 nếu cần;
Đảm bảo các cán bộ y tế được cung cấp các trang thiết bị bảo hộ cá nhân cần thiết, được ưu tiên xét nghiệm và tiêm vắc-xin ngay sau khi có sẵn vắc-xin COVID-19 để họ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng cho tất cả các bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh trong đại dịch;
Đảm bảo tất cả các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát luôn sẵn sàng ở các cơ sở y tế trong thời gian sinh đẻ và ngay sau sinh,
Cho phép các nhân viên y tế tiếp cận phụ nữ mang thai và những phụ nữ mới làm mẹ như đến thăm tại hộ gia đình, khuyến khích các phụ nữ sống ở vùng sâu vùng xa sử dụng nhà chờ dành cho sản phụ, và áp dụng công nghệ thông tin tế di động trong khám bệnh từ xa;
Tập huấn, trang bị phương tiện phòng hộ và các gói dụng cụ đỡ đẻ sạch cho nhân viên y tế sử dụng để đỡ đẻ tại nhà trong khi các cơ sở y tế đóng cửa;
Phân bổ nguồn lực cho các dịch vụ bảo vệ mạng sống và các trang thiết bị vật tư phục vụ cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Trong khi chưa có bằng chứng cho thấy vi-rút truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai và sinh đẻ, UNICEF khuyến cáo tất cả các phụ nữ mang thai như sau:
Tuân thủ các khuyến cáo nhằm bảo vệ bản thân tránh tiếp xúc với vi-rút, tự theo dõi sức khỏe bản thân về những triệu chứng của COVID-19 và tham vấn ý kiến cơ sở y tế gần nhất nếu có lo lắng hoặc có biểu hiện triệu chứng;
Áp dụng các khuyến cáo để tránh lây nhiễm COVID-19 như những người bình thường khác: giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người, và sử dụng các dịch vụ y tế trực tuyến;
Cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế nếu đang sống ở trong vùng dịch hoặc các khu vực có nguy cơ và bị sốt, ho hay khó thở;
Tiếp tục cho con bú kể cả khi họ bị nhiễm hoặc nghi nhiễm vì hiện tại chưa tìm thấy có vi-rút trong các mẫu sữa mẹ được xét nghiệm. Bà mẹ nhiễm COVID-19 cần phải đeo khẩu trang khi cho con ăn; rửa tay trước và sau khi chạm vào con; và thường xuyên lau sạch và khử khuẩn các bề mặt;
Tiếp tục ôm con và cho tiếp xúc da kề da;
Hỏi ý kiến nữ hộ sinh hay bác sỹ nơi nào là an toàn nhất để sinh nở và có kế hoạch sinh nở để giảm lo âu và đảm bảo đến nơi sinh đúng giờ;
Tiếp tục sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế, bao gồm tiêm chủng theo định kỳ, sau khi trẻ được sinh ra.