Theo số liệu thống kê, đến tháng 11/2019, toàn quốc đã triển khai thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng qua hệ thống Bưu điện tại 20 tỉnh, thành phố. Trong đó, 16 tỉnh đã thực hiện bàn giao công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện trên địa bàn toàn tỉnh, còn lại 04 tỉnh mới triển khai thí điểm tại địa bàn một số huyện, cụ thể: Quảng Ninh, Ninh Thuận, Thái Nguyên thí điểm tại 3 huyện, Nghệ An thí điểm tại 5 huyện. Tính từ thời điểm triển khai của mỗi tỉnh đến 30/9/2019, cơ quan Bưu điện đã triển khai chi trả 3.476.125 lượt đối tượng hưởng với số tiền chi trả gần 5.800 tỷ đồng.
Đối với chi trả trợ cấp ưu đãi người có công một lần, 8/20 tỉnh đã thực hiện chi trả qua bưu điện bao gồm: An Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, nghệ An, Đăk Nông, Hưng yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa với tổng số tiền chi trả trợ cấp một lần xấp xỉ 96 tỷ đồng cho 135.384 lượt đối tượng hưởng.
Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH tại 20 địa phương, tỉ lệ hài lòng của người hưởng theo phương thức chi trả mới đều đạt khá cao. Gần 100% người được hưởng dịch vụ tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam hài lòng về thời gian chi trả. 95% - 100% người hưởng tại các tỉnh Nghệ An, Gia Lai, Thanh Hóa đánh giá cao về thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của nhân viên bưu điện khi thực hiện chi trả tại các điểm hoặc tại nhà đối tượng. Gần 100% người thụ hưởng tại các tỉnh đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện.
Sau 3 năm thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện, công tác triển khai đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương thí điểm ghi nhận bởi những tiện ích trong quá trình triển khai: tách bạch công tác chi trả với công tác quản lý đối tượng, công tác tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý cũng như giảm tải được áp lực cho cán bộ xã, phường trong điều kiện Chính phủ yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế "đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015" theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017. Công tác phối hợp giữa hai ngành được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo dòng tiền luân chuyển ổn định, kịp thời, không xảy ra sai sót trong quá trình chi trả. Đội ngũ giao dịch viên, nhân viên bưu điện phục vụ nhiệt tình, chu đáo, trách nhiệm cao. Đa số người có công hài lòng và đánh giá cao phương thức chi trả này.
Bà Chu Thị Lan Hương - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - cho biết, việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công được triển khai trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng chi trả lương hưu, chi trả bảo trợ xã hội. Do được giao chi trả nhiều chế độ an sinh xã hội trên địa bàn, nên những người được nhận nhiều chế độ (lương hưu, ưu đãi người có công, trợ cấp bảo hiểm xã hội…), bưu điện sẽ tích hợp danh sách của đối tượng hưởng để chi trả cho các đối tượng vào cùng một thời gian, giúp họ không phải đi lại nhiều lần.
Cũng theo bà Hương, việc tích hợp các hệ thống này góp phần tạo ra cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.