Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, nghiên cứu nghệ thuật đánh giá thực trạng lực lượng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cổ điển trong thời gian qua, có những giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng, góp phần định hướng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giảng dạy và biểu diễn nghệ thuật trong những năm tiếp theo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
Nghệ sĩ, giảng viên, học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam thuộc các đơn vị nghệ thuật; các cơ sở đào tạo âm nhạc trong và ngoài công lập, các nghệ sĩ tự do đáp ứng tiêu chí của cuộc thi đều có thể tham gia.
Cuộc thi có 3 nội dung là: Độc tấu nhạc cụ (Piano và Violon); Hòa tấu (Tam tấu, Tứ tấu, Ngũ tấu, các hình thức hòa tấu khác theo quy định của tác giả, tác phẩm) và Hát Thính phòng - Nhạc kịch.
Cuộc thi được phân chia bảng theo độ tuổi của thí sinh và tiến hành trong 2 vòng; thí sinh dự thi bốc thăm số báo danh và sử dụng chung tại 2 vòng thi. Tác phẩm đã dự thi tại vòng I không được trình bày lại ở vòng II.
Thành viên Hội đồng Giám khảo gồm các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển chuyên ngành âm nhạc cổ điển, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành quyết định.
Giải thưởng chính thức gồm: Giải Nhất, giải Nhì, giải Ba cho thí sinh xuất sắc tham dự cuộc thi trong mỗi bảng thuộc các nội dung dự thi; giải phụ gồm: Giải Khuyến khích và 1 giải dành cho Người đệm đàn Piano hiệu quả nhất cho nội dung độc tấu Violon và hát Thính phòng - Nhạc kịch.
Tất cả các thí sinh vào vòng 2 sẽ được nhận Giấy chứng nhận tham gia Cuộc thi của Ban Tổ chức.