Sân vận động Kazan - nơi tổ chức Lễ khai mạc Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 (địa điểm đã từng tổ chức 5 trận đá bóng vòng Chung kết bóng đá thế giới năm 2018) với sức chứa 40.000 nghìn chỗ ngồi đã chật cứng khán giả. Điều này cho thấy người dân Kazan rất quan tâm đến sự kiện này. Ban tổ chức cho biết, vé đêm khai mạc đã được bán hết trước nhiều ngày.
Mở đầu lễ khai mạc là Chương trình nghệ thuật tái hiện hình ảnh lịch sử của phong trào WorldSkill - sự kiện bắt đầu với Kỳ thi tay nghề đầu tiên được diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, vào năm 1950.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã chào đón các vị khách và những người tham gia Cuộc thi. Ông nói: "Tôi chúc mừng và mong muốn các thí sinh sẽ có một kỳ thi thành công. Hãy tin vào chính mình, và bạn sẽ thành công! Tôi tuyên bố khai mạc Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 - một Kỳ thi chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn WorldSkills mở."
Nói về Lễ khai mạc, ông Lahla Fazleeva, Phó Thủ tướng Cộng hòa Tatarstan cho biết: "Lễ khai mạc WorldSkills Kazan 2019 đã trở thành một sự kiện quan trọng không chỉ trong lịch sử nước Nga, mà đối với tất cả các cuộc thi trên thế giới".
Sau các bài phát biểu chính thức, các quốc gia tham dự Kỳ thi đã diễu hành một vòng danh dự quanh sân vận động. Tiếp sau đó là các chương trình văn hóa nghệ thuật mạng đậm chất dân gian Nga và những thành tựu của công nghệ 4.0
Trong phần cuối Lễ khai mạc, robot Sophia đã phát biểu trước khán giả. Hai năm trước, Sophia trở thành robot đầu tiên được cấp quyền công dân và giữ hộ chiếu từ Ả Rập Saudi. Tại đây, robot Sophia cũng chia sẻ quan điểm của mình về sự phát triển mối quan hệ giữa robot và nhân loại.
Trong phần kết thúc của Lễ bế mạc ba chuyên gia và ba thí sinh đã tuyên thệ bằng ngôn ngữ bản địa của mình. Cuộc thi WorldSkills lần thứ 45 đã chính thức bắt đầu. Lễ khai mạc đã được kết thúc bằng cách giương cờ WorldSkills chính thức trong khi khán giả lắng nghe bài quốc ca Nga và xem pháo hoa.
Kỳ thi với thông điệp "Chung tay cùng cộng đồng toàn cầu cải thiện thế giới bằng sức mạnh của kỹ năng nghề". Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) làm trưởng đoàn tham dự, với sự tham gia của 19 thí sinh cho 18 nghề khác nhau. Chia sẻ về khí thế của đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: "Năm 2019, Việt Nam có đông thí sinh tham dự nhất, vì thế chúng tôi hỗ trợ tập huấn kỹ càng cả về kỹ thuật, tâm lý và các kỹ năng bổ trợ với hi vọng đạt kết quả tốt nhất. Đến thời điểm này, các thí sinh đã chuẩn bị sẵn sàng và quyết tâm rất cao".
Tại kỳ thi này, Việt Nam sẽ tham gia thi 18 nghề gồm: thiết kế kỹ thuật cơ khí – CAD, cơ điện tử, phay CNC, tiện CNC, công nghệ nước, giải pháp phần mềm CNTT, xây gạch, điện tử, ốp lát tường và sàn, lắp cáp mạng thông tin, điện lạnh, sơn ô tô, kỹ thuật khuôn đúc nhựa, khuôn mẫu, gia công kim loại tấm, kỹ thuật số 3D, lắp đặt điện, hàn và thiết kế các kiểu tóc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng ký số lượng nghề nhiều nhất từ trước đến nay, nhằm khích lệ người trẻ lựa chọn con đường học nghề để chạm tới những ước mơ.
Năm 2019, kỳ thi tay nghề thế giới thu hút 1.355 thí sinh tham dự ở 56 nghề chính thức. Ngoài ra, có 11 nghề được tổ chức cho các thí sinh ở lứa tuổi thanh thiếu niên. 27 nghề tổ chức giới thiệu kỹ năng tương lai. Được biết, trong 6 lần tham gia thi tay nghề thế giới, đoàn Việt Nam đều nhận được các chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Kỳ thi năm 2015 và 2017, ngoài các chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, đều có thí sinh đoạt huy chương đồng.
Trước đó, trong cuộc họp các thành viên Kỳ thi tay nghề thế giới đã chọn Lyon, Pháp là nơi tổ chức Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 47 vào năm 2023. Kỳ thi tay nghề thế giới làn thứ 46 sẽ được tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 2021.