Thành phần tham dự trực tuyến gồm: Các đầu mối phụ trách Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD), các thành viên của NIEA đến từ 10 nước thành viên ASEAN; Ban Thư ký ASEAN; đại diện các tổ chức liên kết với ASEAN như AWEN, ABAC; và đại diện các đối tác quốc tế: USA, EU, UNESCAP. Tại Việt Nam.
Cuộc họp còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ: Liên Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức, chi hội, công ty, doanh nghiệp của người khuyết tật; đại biểu các bộ, ngành liên quan như: Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đánh giá cao những nỗ lực của Thái Lan trong vai trò sáng lập và điều phối Mạng lưới giai đoạn 2017-2019. Với gần 30 thành viên, Mạng lưới đã và đang góp phần thúc đẩy và quảng bá về các doanh nghiệp của người khuyết tật với các bên liên quan và công chúng; chia sẻ các thông tin liên quan đến vấn đề người khuyết tật; và đóng góp cho các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật trong khu vực.
Để hỗ trợ cho Mạng lưới phát huy hơn nữa vai trò của mình, ông Hồi đề nghị các quốc gia cần có những chính sách, chương trình nhằm tăng cường sự tham gia của người khuyết tật, thúc đẩy tiếp cận nhiều hơn cho người khuyết tật, đặc biệt là tiếp cận việc làm, kinh doanh, công nghệ thông tin… để người khuyết tật có thể chủ động hơn trong cuộc sống.
Đảm nhận vai trò Chủ tịch và điều phối NIEA giai đoạn 2020-2021, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề "Thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng". Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ về những luật pháp, chính sách, điển hình tốt về thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật tại các nước ASEAN; vai trò của các bên liên quan; những khó khăn và thách thức trong thúc đẩy kinh doanh hòa nhập cho người khuyết tật; sự kết nối với việc thực hiện Kế hoạch tổng thể 2025 về Lồng ghép quyền của người khuyết tật; và ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tự nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, kinh doanh hòa nhập cho người khuyết tật.
Qua phần báo cáo quốc gia có thể thấy, các nước thành viên ASEAN đều chú trọng tới người khuyết tật, trong đó quan tâm tới vấn đề việc làm, đào tạo nghề và hỗ trợ kinh doanh cho người khuyết tật nhằm giúp họ ngày càng hòa nhập với cộng đồng cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Ví dụ, Việt Nam đã hình thành một khung pháp lý cơ bản về việc làm đối với lao động là người khuyết tật như: Luật Người khuyết tật năm 2010; Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021); Luật Việc làm năm 2013; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung trong các Bộ luật và Luật nói trên.
Đối với việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật, hầu hết các nước đều ban hành các chính sách ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Những ưu đãi đối với doanh nghiệp thường được thể hiện dưới các hình thức như: Miễn hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng, vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật; ưu đãi tiền thuê mặt bằng …
Trong khuôn khổ cuộc họp, các đại biểu đã cùng xây dựng một bản Khuyến nghị chung về "Thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" để gửi lên các quan chức, Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển ghi nhận. Bản Khuyến nghị sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của các cấp trong vấn đề người khuyết tật, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật trong tương lai.