Cụ thể, tỉnh đã triển khai thực hiện Luật ATVSLĐ, các chủ trương, chính sách của Trung ương, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020 hằng năm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt quy định về ATVSLĐ. Các ngành hữu quan, cơ quan, doanh nghiệp cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực bảo đảm ATVSLĐ, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cụ thể, đã ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh triển khai các Nghị định về thi hành Luật ATVSLĐ; giám sát tình hình bảo đảm ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công tác ATVSLĐ, khai báo máy, thiết bị vật tư theo đúng quy định của pháp luật… Đồng thời triển khai áp dụng các hệ thống quản lý ATVSLĐ phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề tại phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn) và CCN Phú Lâm; hằng năm tổ chức hội nghị nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ cho khoảng 160 cán bộ của các Sở, ban, ngành liên quan, cán bộ phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường, thị trấn.
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành, đảm bảo ATVSLĐ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ tài sản lẫn tính mạng con người, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ, đặc biệt là trong các khu vực làng nghề, những cơ sở hoạt động trong lĩnh vực đặc thù với các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tập huấn nâng cao năng lực cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn lao động hoặc nhân sự tại doanh nghiệp; biên soạn và phát hành các tờ rơi tuyên truyền về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hàng năm công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện, tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động cho nhiều nhóm đối tượng được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm, từ năm 2016 đến năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức 17 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và ATVSLĐ cho khoảng 2.400 người sử dụng lao động và người lao động của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tổ chức 12 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 1.306 người lao động, người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại 74 doanh nghiệp; Tổ chức 15 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 1.128 người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động không theo hợp đồng lao động; Tập huấn xây dựng mô hình quản lý ATVSLĐ cho 150 doanh nghiệp, từ đó, chọn ra 40 doanh nghiệp tiến hành hỗ trợ xây dựng hệ thống và áp dụng hiệu quả mô hình quản lý ATVSLĐ.
Để tiếp tục lan tỏa rộng rãi việc thực hiện tốt công tác bảo đảm ATVSLĐ, ngày từ đầu năm 2019, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 từ ngày 1 đến ngày 31-5 với chủ đề "Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc". Buổi mít tinh hưởng ứng được tổ chức tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Tiên Sơn) với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, một số sở, ngành, địa phương, đại diện nhiều doanh nghiệp và hàng trăm lao động.
Cùng với việc đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng luôn quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Các doanh nghiệp chủ động thực hiện các hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tai nạn lao động, thực hiện huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, trang bị phương tiện cá nhân, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, bảo đảm các máy móc, thiết bị được sử dụng, vận hành theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; tích cực tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người lao động… trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai các mô hình an toàn lao động được xây dựng tại các làng nghề; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám chữ bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Sở LĐ-TB-XH tỉnh cũng sẽ phối hợp với Trung tâm huấn luyện an toàn lao động, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - Môi trường và Giám định y khoa tỉnh tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho các chủ sử dụng lao động và người lao động trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất tại các tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời, Sở cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chính sách, văn bản quy định chặt chẽ về chế độ cho người lao động, công tác an toàn lao động, bảo hộ lao động..., nhất là chế độ hỗ trợ thai sản cho lao động nữ đối với doanh nghiệp khi vào đầu tư tại tỉnh, để người lao động yên tâm gắn bó cùng các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững./.