Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

BHXH Việt Nam: Tập trung cao độ mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ nay cho đến cuối năm 2021, phải còn tới hơn 1,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và hơn 6,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế... mới đạt được kế hoạch đề ra. Ðây là nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với ngành bảo hiểm xã hội khi thời gian còn rất ngắn để hoàn thành mục tiêu đặt ra...

Sáng 3/12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành tháng 12/2021. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, để toàn ngành hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, các đơn vị phải tập trung các nhiệm vụ trọng tâm còn tồn đọng để triển khai quyết liệt trong tháng 12. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những tháng qua có chuyển biến rất tích cực. Số người tham gia bảo hiểm xã hội trong tháng 10 đã tăng so tháng 9 và đến tháng 11, diện bao phủ tăng gần 500 nghìn người so tháng 10/2021. Ðiều này thể hiện sự quyết tâm, tích cực vào cuộc của toàn ngành, nhất là chỉ trong hai tháng, diện bao phủ bảo hiểm xã hội đã tăng hơn 1,5 triệu người so tháng 9/2021. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị, đối với bảo hiểm y tế, phải quyết tâm đạt tỷ lệ bao phủ tối thiểu 91% số dân theo đúng cam kết với Chính phủ, Quốc hội.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra việc hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tại Công ty TNHH Toto Việt Nam.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra việc hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tại Công ty TNHH Toto Việt Nam.

Liên quan công tác thu, để bảo đảm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt chỉ tiêu trong tháng cuối năm, Trưởng Ban Thu-Sổ Thẻ Dương Văn Hào cho biết, các địa phương tập trung rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế-công cụ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; đôn đốc nợ và thanh tra đột xuất các đơn vị nợ, với hình thức vừa thanh tra vừa gửi thông báo, nhiều đơn vị đã khắc phục số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong tháng 12/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường vận động bảo đảm chỉ tiêu bao phủ. Ðồng thời, cũng gửi danh sách các đối tượng đã tham gia nhưng nghỉ việc để địa phương rà soát và tiếp tục triển khai vận động, bởi đây là đối tượng dễ vận động tham gia tiếp bảo hiểm xã hội vì họ đã từng tham gia. "Dự kiến, số người tham gia bắt buộc trong tháng 12 sẽ tăng từ 400 nghìn đến 450 nghìn người và đưa tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lên khoảng từ 15,3 triệu đến 15,5 triệu người; tăng so năm 2020 từ 200 nghìn đến 220 nghìn người. Bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1.350.000 người, tăng so năm 2020 khoảng 350 nghìn người do dịch bệnh. Như vậy, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 16,8 triệu người và tiệm cận độ bao phủ. Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm y tế dự kiến khoảng 86,8 triệu người và "hụt" so với kế hoạch 2,3 triệu người do tác động của Quyết định 861/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, dù cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương đã vận động được khoảng 700 nghìn người dân ở nhóm này tham gia tiếp bảo hiểm y tế", Trưởng ban Dương Văn Hào thông tin thêm.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát huy vai trò của cơ quan thực hiện chính sách, được người dân, cộng đồng, doanh nghiệp đánh giá cao, cũng như ghi nhận sự nỗ lực từ Chính phủ và hệ thống chính trị. Tính đến hết tháng 11/2021, toàn ngành đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.287.220 lao động, đạt 93,84% số đề nghị hưởng (đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11.400.720 người; đã dừng tham gia là 886.500 người) với tổng số tiền hỗ trợ 29.094 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thống nhất với Bộ Y tế giải quyết một số vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các đơn vị phòng, chống dịch Covid-19; việc thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế đối với thuốc đã mua bằng nguồn ngân sách phục vụ công tác chống dịch. Ðề xuất Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam được chủ động điều tiết nguồn kinh phí trong phạm vi dự toán Chính phủ giao năm 2021 từ địa phương không sử dụng hết dự toán sang địa phương bị thiếu hụt dự toán. Ðồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và trạm y tế lưu động; thực hiện việc thanh quyết toán chi phí cho cơ sở khám, chữa bệnh sau khi có thông tư tạm dừng thực hiện phương thức thanh toán theo định suất...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết. Tại một số địa phương, công tác truyền thông còn chưa thật sự phát huy hiệu quả; nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách còn chưa đầy đủ; một số người lao động chưa được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về các chính sách hỗ trợ. Tình trạng chi vượt dự toán kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở một số tỉnh; lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế cả về phía người bệnh và cơ sở y tế vẫn chưa được kiểm soát toàn diện và đầy đủ...

Với thực tế đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương xây dựng kịch bản thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo diễn biến của dịch Covid-19 ở từng địa phương; chỉ đạo vận động dứt điểm số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường các giải pháp phòng, chống trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế những tháng cuối năm; tăng cường thanh tra thu hồi nợ đọng... Ðặc biệt, hiện nay có tình trạng số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, cần có sự rà soát để đánh giá lại tác động để có giải pháp và đề xuất chính sách sửa đổi phù hợp