Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Bịt “kẽ hở” trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động (NLĐ) khi thất nghiệp, giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, hiện nay việc trục lợi BHTN vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân… Tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới, nhiều quy định đã được bổ sung nhằm hạn chế tình trạng trục lợi BHTN.

Chính sách BHTN vẫn bị lợi dụng để trục lợi

Tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Luật Việc làm, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%. Tính đến cuối năm 2022, có 14,3 triệu NLĐ tham gia BHTN, chiếm 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Bịt “kẽ hở” trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp - 1
 Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Diện bao phủ tăng nên số người hưởng BHTN cũng tăng theo. Nếu như năm 2009 có hơn 5 triệu người tham gia, hơn 180.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đến năm 2020, số người tham gia xấp xỉ 13 triệu người, số người hưởng là hơn 1 triệu. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, vẫn còn tình trạng một số NLĐ chưa tuân thủ các quy định pháp luật về BHTN, nghĩa là có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không thông báo theo quy định, dẫn đến phải thu hồi. 

Việc trục lợi BHTN một phần do Luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan BHXH về việc có việc làm của NLĐ nên xảy ra trường hợp lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng BHTN. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHTN.

Mặt khác, các chế độ BHTN hiện nay còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Ngoài ra, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong Luật Việc làm chỉ quy định các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)/hợp đồng làm việc trái pháp luật không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động lại quy định, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động và một số trường hợp không cần báo trước với người sử dụng lao động, nên các trường hợp NLĐ bị sa thải, tự ý bỏ việc không báo trước… vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, không phù hợp với mục đích của chính sách BHTN nhằm hỗ trợ cho NLĐ thực sự khó khăn về việc làm.

Bịt lỗ hổng chính sách

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN (Cục Việc làm) cho biết, thời gian qua có một số trường hợp NLĐ vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp dẫn đến việc hưởng trùng, đóng trùng, do đó với những khoản hưởng trùng sẽ bị thu hồi.

“Trước đây, chúng ta chấm dứt và hưởng một lần. Nhưng từ khi thực hiện Luật Việc làm thì đã có điều chỉnh. Vì đây là bảo hiểm rủi ro khi NLĐ mất việc làm, thay vì giải quyết một lần để thuận lợi cho cơ quan thực hiện, bằng việc bảo lưu sẽ giúp NLĐ có thời gian tích lũy để nếu có tiếp tục gặp rủi ro mất việc sẽ được hưởng tiếp”.

Cũng theo ông Tú, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách, một số NLĐ không nắm rõ quy định, do năng lực quản lý có hạn, dữ liệu tham gia đóng bảo hiểm phân tán ở những địa phương khác nhau, không tập trung, thậm chí ngay ở Hà Nội dữ liệu cũng phân tán ở các quận huyện… đã dẫn đến NLĐ tham gia hưởng ở nơi này nhưng làm việc ở nơi khác và các cơ quan không nắm được vấn đề trùng đóng, trùng hưởng.

“Tuy nhiên, hiện nay BHXH Việt Nam đã tập trung cơ sở dữ liệu tham gia bảo hiểm, thống nhất toàn quốc nên trường hợp trùng đóng, trùng hưởng đã được hạn chế rất nhiều”, ông Tú thông tin.

Để góp phần hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHTN, trong đề nghị sửa đổi Luật Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm thông báo của người sử dụng lao động, xử lý đối với trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ BHTN, quản lý đối tượng.

Đồng thời, bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật theo quy định của Bộ Luật lao động; NLĐ bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; người đang hưởng lương hưu...

Hà Phương

Báo Lao động và Xã hội số 113