Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Cách đóng bù thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu tối đa nhất

Thanh Nhung
Thanh Nhung

(Dân sinh) - Trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu, thì có thể đóng bù cho số tháng còn thiếu để hưởng mức lương hưu tối đa 75%.

Đóng BHXH 29 năm 4 tháng sẽ tính hương lưu thế nào?

Bà Châu sinh năm 1968, đủ tuổi nghỉ hưu vào đầu tháng 12/2024. Đến thời điểm nghỉ, dự kiến, bà Châu đóng BHXH được 29 năm 4 tháng.

“Theo quy định tỷ lệ hưởng 75% lương hưu là đóng BHXH 30 năm. Vậy trường hợp của tôi sẽ được tính tỷ lệ lương hưu như thế nào? Tôi sẽ được tính tỷ lệ lương hưu như thế nào và có được đóng bù 1 năm còn thiếu để được hưởng lương hưu tỷ lệ tối đa (75%) hay không?”, bà Châu hỏi.

dóng-bhxh.jpg
Người lao động có thể đóng bù cho số tháng còn thiếu để hưởng mức lương hưu tối đa 75%. (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Trả lời vấn đề này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, theo Điều 54 Luật BHXH năm 2014 (đã được sửa đổi tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ Luật Lao động năm 2019) thì người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu.

Mức hưởng lương hưu được quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014.

Theo đó, mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm 1 năm đóng BHXH được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, để đạt được mức lương hưu hàng tháng là 75% thì lao động nữ khi đủ tuổi hưởng lương hưu cần có đủ 30 năm đóng BHXH.

BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định tại khoản 6 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 6 tháng mới đủ 20 năm đóng BHXH thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu. 

Mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng tổng mức đóng trước khi nghỉ việc.

Bà Châu thiếu 8 tháng mới đủ 30 năm đóng BHXH. Như vậy, bà Châu có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, không thuộc đối tượng được đóng BHXH một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định trên.

Luật BHXH năm 2014 không có quy định đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì được đóng BHXH bắt buộc một lần cho đủ 30 năm để hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa.

Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà Châu chỉ có thể tính dựa vào thời gian đóng BHXH thực tế là 29 năm 4 tháng.

Tuy nhiên, BHXH hướng dẫn bà Châu có thể tiếp tục đóng BHXH cho đủ 30 năm bằng cách đóng BHXH bắt buộc tại đơn vị sử dụng lao động hoặc đóng tiếp BHXH tự nguyện.

Tuổi hưởng lương hưu khi làm công việc độc hại

Bà Thảo cho biết, chị gái bà sinh ngày 10/12/1970, đóng BHXH bắt buộc được 25 năm 11 tháng, làm công việc nặng nhọc, độc hại.

Theo điểm 1, khoản a, Điều 55 của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. 

Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Như vậy, phải qua ngày sinh nhật ngày 10/12/2016, chị gái bà tròn 46 tuổi, mới làm được thủ tục giám định sức khỏe.

“Nếu chị gái tôi bị suy giảm 61% khả năng lao động thì đủ điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi nhưng cơ quan có thẩm quyền làm trễ hoặc cuối năm không làm thì lại sang năm sau, theo luật mỗi năm tăng thêm 1 tuổi, cho đến hết lộ trình năm 2020 thì phải làm thế nào?”, bà Thảo hỏi.

BHXH Việt Nam cho biết, Điều 16 Thông tư số 59 ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì: “Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành”.

Tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư số 59/2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định: “Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày mùng 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày mùng 1 của tháng 1 năm liền kề sau năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu”.

Đối chiếu với quy định trên, BHXH Việt Nam cho hay, chị gái của bà Thảo sinh tháng 12/1970, đã tham gia BHXH được 25 năm 11 tháng, nếu có đủ 15 năm trở lên làm công việc nặng nhọc, độc hại, thì thời điểm hưởng lương hưu là tháng 1/2021 (không cần giám định y khoa). 

Nếu không đủ 15 năm làm nghề nặng nhọc, độc hại mà suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% thì thời điểm hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động cũng là tháng 1/2021.