Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

(Dân sinh) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang hoàn thiện đề án "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan", trong đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện dịch vụ công mức độ 4 và việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

Cải cách thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân

Từ năm 2009 đến nay, ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 90% số lượng các thủ tục hành chính (từ 263 thủ tục xuống còn 28 thủ tục); giảm khoảng 60% thời gian thực hiện thủ tục theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (từ 335 xuống còn 147 giờ); giao dịch điện tử với các đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 90%; thực hiện kết nối với gần 100% cơ sở khám chữa bệnh (gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh); tin học hóa hầu hết các lĩnh vực, nghiệp vụ chính của ngành; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho 19/28 thủ tục hành chính. Đồng thời, Ngành đã phát triển hệ thống phần mềm nghiệp vụ làm cơ sở để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; hiện đang tích cực xúc tiến việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Với những nỗ lực trên, hai năm liền, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (Việt Nam ICT Index) dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, được đánh giá là "một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm xã hội". 

Theo kết quả khảo sát của VCCI tháng 6/2017: 91% doanh nghiệp đánh giá vướng mắc đã và đang được giải quyết; 87% doanh nghiệp đánh giá thời gian giải quyết nhanh và vừa phải. Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016 (trong đó, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc).

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc tiếp tục nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, thủ tục hành chính gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành. Cụ thể mục tiêu là: Cắt giảm tối thiểu 25% số thủ tục hành chính đối với lĩnh vực chính sách bảo hiểm y tế và lĩnh vực chi trả bảo hiểm xã hội so với năm 2018; cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ; 35,47% số tiêu thức; 20,83% số biểu mẫu; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực chính sách bảo hiểm xã hội so với năm 2018.

Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ đẩy mạnh thanh toán điện tử và đảm bảo các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Trong đó, Ngành sẽ xây dựng Hệ thống thu nộp, chi trả bảo hiểm xã hội điện tử trên nền tảng áp dụng phương thức thanh toán điện tử trực tuyến công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tự động hóa góp phần tăng tốc độ xử lý giao dịch, hiện đại hóa công tác thanh toán của ngành bảo hiểm xã hội, đồng thời nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành Bảo hiểm xã hội.

Để đảm bảo công bố, công khai thủ tục hành chính kịp thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, tìm hiểu, bên cạnh việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thông qua các hình thức truyền thống như: Niêm yết tại trụ sở cơ quan bảo hiểm xã hội, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia để mọi người dân có thể tiếp cận, tìm hiểu..., để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, các hình thức niêm yết thủ tục hành chính cần đa dạng, phong phú và thuận tiện hơn, đáp ứng mục tiêu phục vụ cho nhiều đối tượng.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - Ảnh 3.

Mô hình giải pháp chi điện tử.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - Ảnh 4.

Mô hình giải pháp thu điện tử.

Ngành bảo hiểm xã hội cũng cho biết sẽ hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cung cấp các công cụ, tiện ích để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội được thuận tiện, cung cấp dịch vụ công điện tử, hỗ trợ truy cập cho thiết bị di động. Các ứng dụng trên nền tảng di động sẽ cho phép truy cập, tra cứu và khai thác thông tin một cách tiện lợi và đa dạng cho các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm  

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ xác định rất cần thiết và cần ưu tiên xây dựng sớm để làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Năm 2019, ngành đang tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia bảo hiểm xã hội; quản lý dữ liệu quá trình thu nộp, chi trả bảo hiểm xã hội, thông tin đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội… 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý bảo hiểm xã hội liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất. Điều này hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành bảo hiểm xã hội trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ đề xuất các "hành lang" pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm góp phần vào việc kiến tạo Chính phủ điện tử. Riêng đối với người dân, dữ liệu bảo hiểm là dữ liệu chứa thông tin bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp của công dân. Vì vậy, công dân cần theo dõi các thông tin của mình được nhà nước nắm giữ nhằm đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời cũng làm cơ sở để theo dõi, định hướng về y tế, an sinh xã hội của mình hiện tại và trong tương lai.