Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân, "không để ai bị bỏ lại phía sau", Hà Nội chú trọng xây dựng hệ thống chính sách xã hội toàn diện, nâng cao phúc lợi xã hội.

Kỳ I: Thu hẹp khoảng cách thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân từ khu vực thành thị đến nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ngày một được cải thiện và nâng cao.

16 năm trước, vào ngày 1/8/2008 thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội "về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan", Hà Nội chính thức thực hiện mở rộng địa giới. khi đó, nhiều vùng ngoại thành mở rộng của Hà Nội còn nhiều khó khăn.

Nhưng đến nay, với sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ, vùng ngoại thành và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Hà Nội đã có những thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước đổi thay, no ấm và hạnh phúc hơn.

Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân - 1
Giới thiệu về bài thuốc nam của đồng bào Dao, Ba Vì.

Bản làng “thay da đổi thịt” sau 16 năm Hà Nội mở rộng địa giới

Xã Ba Vì là một trong 7 xã vùng núi của huyện Ba Vì, nơi có 98% người dân là đồng bào dân tộc Dao. Khi sáp nhập vào Hà Nội cộng đồng người Dao ở Ba Vì đã trở thành một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số đầu tiên của Thủ đô. Nền kinh tế chủ yếu của người dân địa phương dựa vào sản xuất nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi nên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,73% và hộ cận nghèo 21,9% vào năm 2008, cao nhất huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội.

Đến nay, sau 16 năm sáp nhập, xã Ba Vì chỉ còn 7 hộ nghèo (0,86%) và 11 hộ cận nghèo (1,04%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 69,4 triệu đồng/người/năm. Xã phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 73,4 triệu đồng/người, giảm còn 5 hộ nghèo, không để hộ tái nghèo.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, do nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô, nên xã Ba Vì đã được các cấp quan tâm đầu tư ở nhiều lĩnh vực.

 Trong đó, xã được thành phố triển khai Chương trình "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch; củng cố, phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị".

Đi kèm với đó, thành phố đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Dao ở Ba Vì. Nhờ những đầu tư trên, người Dao càng có điều kiện mở mang trồng, bào chế, sản xuất thuốc nam truyền thống.

Hiện xã có 309 hộ theo nghề làm thuốc, với 9 hợp tác xã thuốc nam. Nhờ có thu nhập tốt từ cây thuốc, nhiều hộ đã xây nhà cao tầng, mua sắm ô tô cùng các vật dụng hiện đại phục vụ cuộc sống, đầu tư cho con em học hành.

Nằm ngay cạnh tuyến đường liên xã, thuộc thôn 5, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội) là mảnh vườn rộng hơn 6.000m2 của nhà ông Bùi Thanh Vân, dân tộc Mường, với bạt ngàn những cây bưởi diễn xanh tốt.

Cách đây 16 năm, thời điểm còn ở tỉnh Hòa Bình, gia đình ông chỉ biết trồng cây tạp, giá trị kinh tế thấp. Từ khi xã Yên Bình được sáp nhập vào TP Hà Nội, những nông dân như ông được các cấp chính quyền, hội, đoàn thể tư vấn, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn trồng những cây có giá trị kinh tế cao, như hoa ly, bưởi diễn. Từ cách làm nông nghiệp mới, đời sống người nông dân như ông Vân từng bước đổi thay.

Ông Vân chia sẻ, sau 16 năm về Hà Nội, hạ tầng xã hội có nhiều dự án được Nhà nước đầu tư khang trang hiện đại. Khoa học kỹ thuật được ứng dụng nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp, giúp người Mường thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ chỗ chỉ biết trồng cấy những loại cây đơn giản, truyền thống thì nay nhiều hộ đã đưa vào trồng những loại cây, quả, hoa mới có giá trị kinh tế cao.

Ông Đinh Như Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình chia sẻ, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành từ thành phố tới huyện, cùng sự nỗ lực của người dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển vật nuôi, cây trồng, như chăn nuôi gà, trồng chè, thanh long… cho thu nhập cao. Năm 2008, xã có 179 hộ nghèo nhưng đến nay chỉ còn 1 hộ. Xã Yên Bình đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Đông Xuân - xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập về huyện Quốc Oai. Xã có 7 thôn, hơn 1.500 hộ với khoảng 5.600 nhân khẩu, có đến 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Sau 16 năm về với Thủ đô, xã Đông Xuân nay đã chuyển mình mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, 100% đường giao thông thôn được bê tông hóa hoặc trải nhựa; trên 95% đường liên thôn, đường trục chính của thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; hệ thống nước sạch sông Đà được đầu tư đến trung tâm xã…

Hạ tầng phát triển đã tạo điều kiện giúp người dân phát triển sản xuất. Năm 2016, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ 6 triệu đồng (năm 2008) đến nay lên 61 triệu đồng.

4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội

Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân - 2
Mô hình du lịch Homestay góp phần nâng cao đời sống người dân xã Ba Vì.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức với trên 55.000 người, chủ yếu là người Mường, Dao. 

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác dân tộc, TP Hà Nội xác định việc thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Cùng với việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương, thành phố đã ban hành các chủ trương, chính sách riêng để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 16 năm qua, Hà Nội đã dành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, giải quyết việc làm cho 14 xã vùng dân tộc thiểu số.

Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có sự thay đổi rõ rệt; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm... được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện.

Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân hàng năm đạt trên 11%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/năm, có xã đạt 60 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều nơi, bộ mặt làng, bản có nhiều khởi sắc, bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì và phát huy…

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác trên địa bàn thành phố, cần được đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cần đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn thành phố.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành; đồng thời, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố.

Mục tiêu khác là giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 120