Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Người lao động được hưởng những chế độ nào khi bị tai nạn lao động?

Quang Dương
Quang Dương

Sự cố tai nạn lao động là điều không mong muốn, nhưng nếu không may xảy ra người lao động sẽ được đảm bảo một số chế độ như trợ cấp tai nạn lao động; được bồi thường từ phía doanh nghiệp nếu lỗi không hoàn toàn do mình gây ra...

Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định rất rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động; tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; thanh toán phần chi phí đồng chi trả, và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

Đồng thời, thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Người lao động được hưởng những chế độ nào khi bị tai nạn lao động? - 1
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Người sử dụng lao động cũng phải bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Mức trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định.

Bên cạnh đó, người lao động bị tai nạn lao động đủ các điều kiện sau đây thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động: Bị tai nạn lao động tại nơi làm việc trong giờ làm việc hoặc ở ngoài nơi làm việc theo sự phân công của người sử dụng lao động; sau khi giám định thương tật mà bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp tai nạn 1 lần, từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng.

Mức trợ cấp tai nạn lao động được tính theo tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề, trước khi nghỉ việc do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm: Sổ bảo hiểm xã hội; giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú; biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa; văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động.

Cũng theo quy định của pháp luật, với trường hợp người lao động làm những công việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành (tại Thông tư 11/2020), thì họ còn được hưởng mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Tùy thuộc vào từng đối tượng lao động và từng công việc khác nhau mà khoản phụ cấp sẽ khác nhau. Người làm việc trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại thì phụ cấp được tăng thêm 5% so với những người làm việc trong điều kiện bình thường.

Hiện theo Thông tư 11 có hơn 1.800 nghề thuộc danh mục nặng nhọc độc hại và nguy hiểm.