Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Nhiều giải pháp phát triển BHYT hộ gia đình hiệu quả

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến việc mở rộng BHXH, BHYT nói chung và BHYT hộ gia đình nói riêng trên cả nước. Với nỗ lực không mệt mỏi, BHXH các địa phương đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, đó là vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì mở rộng diện bao phủ của chính sách.

Bắc Giang: Tăng cường nhiều giải pháp

Năm 2020, tại Bắc Giang có 1.680.733 người tham gia BHYT, đạt 102% kế hoạch được giao, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ bao phủ đạt 99% dân số, vượt 9% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương này đang có những diễn biến phức tạp nhất nước, nhưng số người tham gia BHYT vẫn được duy trì và phát triển. Trong tháng 5 tăng 2.054 người tham gia so với tháng 4, nâng tổng số người tham gia trong toàn tỉnh lên 1.695.502 người, đạt 99% kế hoạch được giao.

Theo ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang, thành quả này đến từ việc BHXH tỉnh và BHXH các huyện đã tập trung mọi nguồn lực, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, kể cả trong thời điểm nhiều khu vực phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Nhờ thực hiện có hiệu quả những kinh nghiệm sẵn có, các cán bộ BHXH tại địa phương vẫn đảm bảo công tác thu và phát triển người tham gia trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Cụ thể, BHXH tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo liên quan đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn. Đồng thời, tháng 11 hằng năm được chọn làm Tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn tỉnh đã thành lập được 2.498 Ban vận động hộ gia đình tham gia BHYT tại thôn, tổ dân phố do MTTQ các cấp chủ trì, đại diện các tổ chức chính trị-xã hội làm thành viên. Đồng thời, giao cho Chi hội Phụ nữ thôn, bản, tổ dân phố làm cộng tác viên đại lý thu BHYT. Việc BHXH tỉnh phát động CCVC tham gia đóng góp kinh phí mua thẻ BHYT tặng người dân thuộc địa bàn xây dựng nông thôn mới cũng là một cách làm sáng tạo, vừa thiết thực ủng hộ người nghèo, vừa góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT.

Ngoài việc đẩy mạnh truyền thông về chính sách BHYT hộ gia đình, BHXH tỉnh cũng đã tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách của tỉnh (ngoài mức hỗ trợ của Trung ương) đối với một số nhóm tham gia BHYT khác như: Hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông-lâm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022- 2025. Qua đó, góp phần đưa chính sách đến gần hơn với người dân; giúp tăng sức lan tỏa, để người dân đồng thuận và tự nguyện tham gia.

Bắc Ninh: Giao chỉ tiêu, hỗ trợ đại lý thu

Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh Bắc Ninh có 1.347.521 người tham gia BHYT (tăng 2.445 người so với tháng trước, tăng 41.743 người so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 97,77% kế hoạch năm. Trong đó, số người chỉ tham gia BHYT là 927.636 người, tăng 3.687 người so với tháng trước, tăng 19.569 người so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh nhiều địa phương tại Bắc Ninh bị phong tỏa do COVID-19, cơ quan BHXH và các đại lý thu tạm dừng tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp (không tụ tập đông người). Thậm chí, các đại lý thu cũng không thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nên gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT nói chung và BHYT hộ gia đình nói riêng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu kép đề ra, BHXH tỉnh đã linh hoạt các giải pháp phù hợp với tình hình dịch tễ tại địa phương, đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đa dạng phương thức tuyên truyền; đồng thời tìm cách hỗ trợ các đại lý thu duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Theo đó, BHXH tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và BHXH các huyện, thị xã khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhân viên đại lý thu bị cách ly hoặc nằm trong khu vực giãn cách xã hội, yêu cầu bộ phận “Một cửa” bố trí cán bộ thường trực để trực tiếp thu tiền đóng BHYT của người dân; hướng dẫn người tham gia BHYT có thể tự nộp tiền cho cơ quan BHXH bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH; gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam.

Vĩnh Phúc: Tập trung phát triển bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, việc phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình (HGĐ) được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là giải pháp quan trọng và tập trung triển khai trong thời gian tới.

Để nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT và các cơ chế hỗ trợ đối với người tham gia BHYT HGĐ, ngành BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức; đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ của ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa và giải quyết nhanh chóng, kịp thời các chế độ, quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Hằng năm, trên cơ sở chỉ tiêu UBND tỉnh giao cho từng địa phương, BHXH các huyện, thành phố chủ động tham mưu UBND huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp phát triển BHYT HGĐ phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; có các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt chỉ tiêu được giao.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ người dân tham gia BHYT HGĐ trên địa bàn tỉnh tăng qua các năm. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có hơn 52.000 người tham gia BHYT HGĐ (đạt 15% tổng số người dân thuộc đối tượng tham gia BHYT HGĐ) thì đến nay, đã tăng lên gần 265.500 người (đạt 84% tổng số người dân thuộc đối tượng tham gia BHYT HGĐ).

Số lượng người tham gia BHYT HGĐ tăng nhanh đã góp phần quan trọng đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân của tỉnh, nâng tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh lên hơn 1,1 triệu người; đạt tỷ lệ hơn 93% dân số.

Với xu hướng giá viện phí ngày một tăng cao, nhờ tham gia BHYT, nhiều người dân đã có điều kiện được khám, chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và đặc biệt là kinh tế gia đình vẫn ổn định khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, có tư tưởng khi ốm mới mua BHYT; một số gia đình (nhất là khu vực nông thôn) khó khăn về kinh tế, thu nhập thấp nên không có điều kiện mua BHYT cùng lúc cho các thành viên trong gia đình dù đã được hỗ trợ.

Nhân viên một số đại lý thu BHYT chưa am hiểu về chính sách BHYT HGĐ, chưa chủ động cung cấp dịch vụ đến người dân, chưa phát huy vai trò là một kênh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT HGĐ…

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu BHYT toàn dân, phấn đấu đến cuối năm 2021 có khoảng 95% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT, ngành BHXH tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT HGĐ.

Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền; đẩy mạnh cải cách hành chính ngành BHXH; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT HGĐ.

Tiếp tục mở rộng các điểm thu, đại lý thu BHYT và tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhân viên đại lý thu. Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế tỉnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT nhằm tạo dựng niềm tin, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia BHYT…