3 trường hợp được hoàn tiền đóng BHXH tự nguyện
Căn cứ khoản 6 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:
(i) Dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
(ii) Hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định;
(iii) Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.
Số tiền hoàn trả cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong trường hợp quy định tại (i) và (ii), hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động trong trường hợp quy định tại (iii) được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ LĐ-TB&XH thì trường hợp người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP mà vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng dừng đóng BHXH tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Ví dụ: Bà Trần Mai Linh đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức đóng 6 tháng một lần. Tháng 11/2023 bà đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu.
Trường hợp bà Linh, nếu bà làm đơn đề nghị giải quyết hưu trí từ tháng 11/2023 và yêu cầu hoàn trả cho bà 2 tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do bà đóng thừa thì có được không? Hay bà phải chờ hết phương thức đóng mới được hưởng chế độ hưu trí?
Trường hợp này, theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP nêu trên, thì bà Linh không thuộc trường hợp được hoàn trả tiền đã đóng BHXH tự nguyện.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH nêu trên, thời điểm hưởng lương hưu đối với bà Linh là tháng 1/2024 (là ngày 1 tháng liền kề sau tháng dừng đóng BHXH tự nguyện).
Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và theo phương thức đóng được quy định như sau:
Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Ngoài ra tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2018.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:
- Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; - Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; - Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển KT-XH và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp. |