Chiều 24/9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ việc sửa đổi luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động.
Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động;
Phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn. Trong đó, sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm.
Đáng chú ý, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật là đã mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo các nguyên tắc về việc làm, thống nhất về các quy định liên quan cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không phân biệt nguồn ngân sách Trung ương hay ngân sách địa phương), tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.
Dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành, gồm: người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng) được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội).
Đồng thời quy định linh hoạt đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Cũng theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hướng bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:
Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Cùng với đó, linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
Và nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Vẫn theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự luật cũng sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng: Mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bỏ Quỹ quốc gia về việc làm: Giải pháp phù hợp, đồng bộ với các quy định về ngân sách
Một điểm đáng chú ý nữa của dự thảo là đã sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm:
Ngân sách Trung ương cấp cho NHCSXH từ chi đầu tư phát triển (giải thể Quỹ quốc gia về việc làm để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; Nguồn huy động của NHCSXH; Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua NHCSXH.
Đồng thời bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương, giao UBND cùng cấp ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm (Điều 8).
Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh tán thành việc bỏ Quỹ quốc gia về việc làm, chuyển giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và cho rằng, đây là giải pháp phù hợp, đồng bộ với các quy định về ngân sách.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đồng tình với ý kiến này, theo đó, đề nghị tổng kết, bổ sung đánh giá về hiệu quả hoạt động của quỹ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung người lao động bị mất việc sau thiên tai, khủng hoảng được vay vốn hỗ trợ việc làm.
Thẩm tra các nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo đã nêu trong Tờ trình. Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định chuyển nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm có tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này và thay đổi so với khi đề xuất xây dựng luật.
Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, ưu nhược điểm, những vấn đề phát sinh, làm rõ tính hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi này.
Đột phá về thị trường lao động là đột phá phát triển nguồn nhân lực
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Việc làm, đồng thời dẫn nghị quyết Đại hội Đảng XIII xác định đột phá liên quan thị trường lao động là đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, hướng xây dựng dự thảo luật gọn và rõ hơn, theo nguyên tắc những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết thì đưa vào, còn những gì thuộc về thông tư, nghị định thì tách ra để Chính phủ và bộ, ngành quy định.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát và tiếp thu theo tinh thần "gọn nhất có thể", dự kiến có thể khuôn khổ trong khoảng 100 điều, đồng thời phân tích, vấn đề việc làm hiện nay rất khác khi một người có thể ký hợp đồng, có quan hệ lao động với nhiều tổ chức, nhiều đối tượng khác nhau.
Bộ trưởng cũng nhận định, tính chất việc làm hiện nay có sự thay đổi lớn. Trước đây, một người có thể làm bền vững, suốt đời ở một cơ quan, còn bây giờ vừa ký hợp đồng lao động với một đơn vị nhưng tháng sau đã có thể nhảy sang nơi việc khác, chỉ vì lý do đơn giản.
Về vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, theo ông Dung, bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn mà các nước thường chỉ sử dụng khoản 10% kết dư, còn lại 90% để hỗ trợ cho người lao động một cách nhanh chóng, kịp thời.
"Thực tế qua tổng kết, các chính sách hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở Việt Nam còn ít, gần như chỉ chi cho mỗi việc trợ cấp thất nghiệp, còn để duy trì việc đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi tay nghề thì gần như chưa có. Bộ LĐ-TB&XH đã bàn, có thể thiết kế chính sách nhiều hơn, kinh phí nhiều hơn và quản lý linh hoạt hơn thay vì quy định chỉ Trung ương được làm như hiện nay", ông Dung nói.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là một luật “rất khó". Cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, cô đọng dự thảo luật, có thể dưới 100 điều, và tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan và UBTVQH để hoàn thiện dự thảo.
Luật Việc làm (sửa đổi) gồm 9 chương và 130 điều, tăng 2 chương, 68 điều so với luật hiện hành, dự kiến được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2025.