Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021 - 2025, nhiều người dân ở các địa phương không còn thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí. Đây là nhóm đối tượng tiềm năng cần chú trọng vận động tham gia BHYT hộ gia đình.
Trong năm 2021, trước khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song vẫn có điểm sáng rất đáng ghi nhận. Theo đó, nhóm tham gia BHYT hộ gia đình trên cả nước tăng 1,5 triệu người so với năm 2020. Một số tỉnh tăng nhiều như: Lâm Đồng tăng 159 nghìn người, Thanh Hóa tăng 133 nghìn người, Thái Nguyên tăng 90 nghìn người, Quảng Bình tăng 82 nghìn người, Bạc Liêu tăng 80 nghìn người… Là địa phương đang đạt và vượt kế hoạch được giao về BHYT, ông Trần Văn Dũng- Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định cho biết, trong thời gian qua, BHXH tỉnh bám sát chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thường xuyên báo cáo, tham mưu để có chỉ đạo, giải pháp tăng số tham gia BHYT. Do đó, đến nay tỷ lệ bao phủ BHYT tại Nam Định đạt khoảng 94% dân số.
Với khoảng 35.000 người không còn được ngân sách nhà nước đóng BHYT, BHXH tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác vận động để người dân hiểu rõ ý nghĩa của chính sách BHYT, đặc biệt là hình thức BHYT hộ gia đình để chủ động tham gia, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT được liên tục. Theo BHXH tỉnh Bắc Kạn, chỉ trong vòng 1 tháng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đã có khoảng 21.000/35.000 người không còn được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg tiếp tục tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác (chiếm tỷ lệ 60%). Nếu thời điểm giảm thẻ BHYT từ ngày 1.7, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh là 86% dân số thì đến hết ngày 31.7, tỉnh Bắc Kạn đã có 297.860 người tham gia BHYT, tương ứng tỷ lệ bao phủ khoảng 93% dân số.
Tương tự với tỉnh Tuyên Quang, Quyết định 861/QĐ-TTg tác động trực tiếp đến 114.264 người tại 698 thôn thuộc 58 xã. Tính đến hết 30.6, số người tham gia BHYT đạt 95,49%, nay giảm 12,14%, đợt tới tỷ lệ bao phủ mới chỉ đạt 83,35%. Đây là con số rất lớn, tác động mạnh đến việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn. Trước tình hình đó, BHXH tỉnh Tuyên Quang khẩn trương báo cáo đánh giá tác động của Quyết định 861 và xin ý kiến UBND tỉnh về việc cấp thẻ BHYT cho người dân thuộc địa bàn các xã không được ngân sách nhà nước hỗ trợ nữa. Cùng với đó, tổ chức rà soát, phân loại đối tượng không được hưởng chính sách BHYT từ ngày 1.7 và vận động tham gia BHYT hộ gia đình đối với người thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT thời gian gần đây đã được chú trọng; hình thức và nội dung tuyên truyền cũng được đổi mới, tiếp cận gần hơn tới người dân, qua đó nhận thức về chính sách BHYT cũng từng bước được nâng lên. Song, trên thực tế, số người tham gia BHYT hộ gia đình chưa xứng với tiềm năng trong khi các nhóm đối tượng khác đều đạt tỷ lệ cao, một số nhóm đạt tỷ lệ tuyệt đối.
Để phát triển BHYT bền vững trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là thời điểm dịch bệnh kéo dài, đòi hỏi cơ chế, chính sách phù hợp; sự năng động, tích cực của những người làm công tác BHXH, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Theo đó, muốn tăng tỷ lệ bao phủ BHYT ở địa phương theo kế hoạch, các địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng điểm, trong đó, tập trung tuyên truyền trực tiếp đến nhóm tham gia BHYT hộ gia đình. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT, phát huy vai trò của những tổ chức đoàn thể, cá nhân có uy tín trong các khu dân cư để vận động người dân tham gia, thúc đẩy phát triển BHYT theo hộ gia đình.
Có thể nói, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình không những để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình mà còn góp phần giảm gánh nặng tài chính. Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, BHXH địa phương cần kiểm tra bệnh nhân điều trị nội trú và kiểm soát thông tuyến tỉnh nhằm bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT. Tiếp tục phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội, chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.