Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết vừa tạo hình hậu môn thành công cho bé trai L.Q.T (11 ngày tuổi, huyện Cẩm Mỹ).
Bé T. sinh ngày 22-10, cân nặng 3,2kg. Sau khi sinh, bé được người nhà kiểm tra thì phát hiện bé không có lỗ hậu môn nên đã đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để cấp cứu.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bé T. được chẩn đoán bị dị tật bẩm sinh, không có lỗ hậu môn, chỉ có một lỗ dò có kích thước rất nhỏ nên được chỉ định phẫu thuật tạo lỗ hậu môn mới.
Các bác sĩ đã phẫu thuật, đặt lỗ hậu môn mới vào đúng cơ thắt của hậu môn. Sau đó dùng máy kích thích thần kinh ngoại biên tìm cơ vòng, trực tràng của bé, rồi đưa trực tràng vào đúng tâm cơ thắt. Tiếp đến, tiến hành khâu nối giữa da hậu môn, cơ và trực tràng.
Theo bác sĩ Vũ Công Tầm, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do bệnh nhi không có hậu môn bên ngoài khiến ruột, trực tràng cũng mất luôn. Vì thế mà đường tiêu hóa thông với các đường bài tiết khác như bàng quang, niệu đạo. Nếu không được sớm phẫu thuật tạo hình hậu môn, khi bé bú sữa, hít không khí vào sẽ không có đường thoát, để lâu khiến trẻ bị chướng bụng, tắc ruột, vỡ ruột. Qua đó, phân sẽ tràn ra ổ bụng gây nhiễm trùng nặng và nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Vũ Công Tầm cho biết, để hậu môn được tái tạo hoạt động tốt, sau khi về nhà, người nhà cần thường xuyên thực hiện thao tác nong hậu môn cho trẻ đến khi trẻ 3 tuổi theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh trường hợp hậu môn bị bít.
Sau phẫu thuật hiện bé T đã bú tốt, đại tiện được qua lỗ hậu môn mới, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, dị tật không có hậu môn rất hiếm gặp, tỷ lệ 1/5 ngàn trẻ sơ sinh mắc phải. Hiện nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra dị tật này.
Trẻ sinh ra không có hậu môn hay còn gọi là dị tật hậu môn trực tràng hay hậu môn lạc chỗ. Đây là rối loạn trong giai đoạn hình thành phôi thai ở tháng thứ nhất hoặc thứ 2 của thai kỳ.
Ngày nay, việc tầm soát dị tật không hậu môn được làm thường xuyên ở các bệnh viên sản nên trẻ có các dị tật này được phát hiện rất sớm từ lúc sơ sinh. Các dấu hiệu giúp chẩn đoán bệnh: bụng trướng, tiểu ra phân, không đi phân su… Một số trẻ có đường rò ở da hay âm hộ vẫn đi phân su bình thường và có thể chỉ được phát hiện khi lớn hơn.
Để phòng dị tật bẩm sinh, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị sức khỏe tốt khi quyết định sinh con. Người mẹ cần tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh trước khi có thai.