Báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho biết, tăng trưởng năm 2019 sẽ đạt ở cận trên của mục tiêu, khoảng 6,8%; lạm phát dưới 3%; bội chi ngân sách ở ngưỡng 3,4% GDP.
Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.
Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%.
Chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng một tháng (mức hiện tại 1,49 triệu đồng); lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng một tháng, tương đương tăng 7%.
Cùng với phần thảo luận của đại biểu, các thành viên Chính phủ sẽ được mời phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngay khi Quốc hội bắt đầu thảo luận kinh tế - xã hội, 105 đại biểu đăng ký phát biểu. Người điều hành phiên họp đề nghị các đoàn đông đại biểu như Hà Nội, TP.HCM sẽ có 3 đại biểu phát biểu, với các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có 2 đại biểu ở vòng phát biểu ban đầu.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) nêu những vướng mắc liên quan tới thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Theo bà, sau khi hoàn thành dự án này, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hỏng vẫn chưa hoàn chỉnh, dù năm 2018 Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn đốc thúc chủ đầu tư là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC).
"Hiện các đường gom, đường dân sinh chưa được hoàn trả. Sắp tới mùa mưa đi lại khó khăn", bà Trang nói và tha thiết đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC khẩn trương hoàn thành các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng.
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đặt vấn đề chậm phân bổ nguồn vốn trong xây dựng tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài, Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ (Yên Bái). Đây là 2 tuyến đường quan trọng đã được Chính phủ hoàn thành kí kết hiệp định vay vốn, nhưng cho đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Do đó, đại biểu đoàn Lai Châu đề nghị Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khởi công dự án trong quý IV/2020 theo đúng tiến độ.
Ngoài ra, ông Bình cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thành công tác điều chuyển tài sản, hạ tầng giao thông các tuyến đường từ tỉnh lộ thành quốc lộ các tuyến Mường Nhé qua Pắc Ma – Mường Tè – Pa Tần (quốc lộ 4H) và tuyến Mường Kim - Huội Quảng (quốc lộ 279D) trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Còn đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) lại quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, theo ông, hiện có 3 vấn đề đang là rào cản trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Công, rào cản lớn nhất trong sản xuất, canh tác nông nghiệp là sự ngăn cách thông tin giữa nông dân và thị trường. Hiện nay, người nông dân không nhận được thông tin chính thống mà phụ thuộc vào phần nhiều vào thương lái.
Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn, thì bi kịch kêu cứu về hàng nông sản vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Rào cản thứ 2 đối với sản xuất nông nghiệp là việc tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Cuối cùng là rào cản về tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Ông đánh giá các địa phương vẫn chưa chuyển được từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng. Hiện mỗi tỉnh làm một kiểu, "dàn hàng ngang ra làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau", ông nói.
"Do vậy Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần tuý là trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ", ông Công nhấn mạnh.
Theo đó, vị đại biểu đoàn Vĩnh Long đề nghị Chính phủ sớm có một chương trình tổng thể thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ. Đồng thời, sớm thành lập ban chỉ đạo hoặc ban điều phối để thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng cường sự liên kết giữa các địa phương.
Từ ngày 30/10 đến 1/11, Quốc hội dành 3 ngày để thảo luận kinh tế - xã hội tại hội trường. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Các buổi thảo luận sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Cụ thể, trong 2 ngày 30/10 và 31/10, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận và nghe Chính phủ giải trình về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Cùng với đó, là thảo luận về đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Phiên thảo luận này sẽ diễn ra vào sáng thứ 6, ngày 01/11 tới.