Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Biến đổi khí hậu đe dọa "quan tài hạt nhân"

Những người dân ở quần đảo Marshall gọi Runit Dome, vòm bê tông chứa rác thải hạt nhân thời chiến tranh lạnh, là "Nấm mồ". Hố bê tông trát kín này chứa hơn 87.800 m3 chất thải phóng xạ được các công nhân chôn lấp trong nỗ lực dọn dẹp mảnh vỡ độc hại từ hàng loạt vụ thử bom hạt nhân của quân đội Mỹ.

Biến đổi khí hậu đe dọa "quan tài hạt nhân" - Ảnh 1.

Vòm hạt nhân Runit Dome. Ảnh: Science Alert.

Những người dân ở quần đảo Marshall gọi Runit Dome, vòm bê tông chứa rác thải hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh, là "Nấm mồ". Hố bê tông trát kín này chứa hơn 87.800 m3 chất thải phóng xạ được các công nhân chôn lấp trong nỗ lực dọn dẹp mảnh vỡ độc hại từ hàng loạt vụ thử bom hạt nhân của quân đội Mỹ.

Từ năm 1977 đến 1980, khoảng 4.000 quân nhân Mỹ tham gia dọn bãi thử hạt nhân trên đảo san hô vòng Enewetak. Họ xúc đất ô nhiễm cùng với các chất thải phóng xạ như thiết bị quân sự và kim loại phế liệu xuống Runit Dome rồi phủ bê tông lên. Tổng cộng, miệng hố chứa lượng chất thải phóng xạ đủ để lấp đầy 35 bể bơi Olympic. Phần lớn trong số đó là đất chứa plutonium, đồng vị có thể gây ung thư phổi nếu hít phải.

Tuy nhiên, do mực nước biển trong khu vực ngày càng cao, tăng khoảng 7mm/năm từ năm 1993, nước bắt đầu ngấm vào lớp đất bên dưới vòm bê tông. Khác với mái vòm bên trên, đáy hố chưa từng được trát bê tông. Do đó, nước biển đang đe dọa làm ngập Runit Dome hoặc khiến công trình nứt vỡ.

Năm 2030, mực nước biển có thể dâng cao 3 - 16cm so với hiện nay, dẫn tới nhiều đợt sóng trào và ngập lụt ven biển hơn. Vào năm 2100, vòm bê tông có thể ngập dưới nước. Người dân địa phương lo ngại tình trạng hư hại ở công trình sẽ gây ra hàng loạt nguy cơ mới về sức khỏe.

Gần đây, Runit Dome bắt đầu xuất hiện các vết nứt, nhiều khả năng do lực tác động từ sóng mạnh. Nếu rò rỉ, vật liệu phóng xạ có thể đổ ra biển hoặc đầm phá gần đó, buộc người dân địa phương phải rời bỏ nhà cửa một lần nữa. Trước các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào thập niên 1940 và 1950, cư dân ở đảo san hô vòng Enewetak từng phải sơ tán tới hòn đảo khác. Ngày nay, chỉ có 3 trong số 40 đảo nhỏ thuộc Enewetak được đánh giá là an toàn để định cư. Những đảo này là nơi ở của 650 cư dân. Riêng đảo Runit, nơi có vòm bê tông vẫn bị bỏ hoang.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu tác động khi tiếp xúc với phóng xạ trên đảo. "Bạn không thể nếm, ngửi, chạm vào hay cảm nhận phóng xạ. Đó như là thứ vô hình có thể gây hại cho bạn và không ai mong đợi điều đó", Ken Buesseler, nhà hóa học phóng xạ biển ở Viện Hải dương học Woods Hole, người đang lên kế hoạch lấy mẫu đất gần vòm bê tông cho biết.