Năm 2019, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%
Theo ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương: Công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và công tác đào tạo nghề của tỉnh nói riêng đã có bước chuyển biến tích cực. Đội ngũ lao động có tay nghề tăng lên, chất lượng bước đầu đã có sự cải thiện. Tuy nhiên, so với nhu cầu doanh nghiệp hiện nay và yêu cầu phát triển trong những năm tiếp theo thì nguồn lao động có tay nghề của tỉnh còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, bất hợp lý về cơ cấu. Hàng năm, tỷ lệ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn thấp so với tổng số lao động của tỉnh. Số lượng lao động có chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề còn ít, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật cao.
Trước những khó khăn đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa X đã ban hành Chương trình số 20-CTr/TU ngày 09/8/2016 về Nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học – kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới; trong đó, việc đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo.
Nâng cao chất lượng và phát triển quy mô đào tạo nghề là một quá trình, vừa phổ cập nghề cho người lao động, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu của các ngành, nghề sử dụng nhân lực có tay nghề cao trong nước và xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tập trung xây dựng các trường chất lượng cao; trong đó, ưu tiên các trường đạt đẳng cấp quốc tế; các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng hơn 30.000 học viên (trong đó cao đẳng: 1.500 sinh viên, trung cấp: 3.000 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng 25.500 học viên).
Kế hoạch năm 2019, tuyển sinh được 40.000 học viên (trong đó, trình độ cao đẳng: 2.500; trung cấp: 3.500 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng: 34.000); số lượng học viên tốt nghiệp là: 35.000 (cao đẳng: 2.000; TCN: 3.000 học sinh, SCN và dưới 3 tháng: 32.000), góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2019 đạt 78%, trong đó có văn bằng – chứng chỉ đạt 28%.
Các nhóm giải pháp và nâng cao chất lượng đào tạo
Nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tháo gỡ những khó khăn trong thời gian qua, Bình Dương tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Luôn chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt nguồn lao động có tay nghề vì đây là nền tảng vững chắc giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh, làm cho tỉnh trở thành một nơi đáng sống và làm việc.
Về công tác tuyển sinh, tư vấn học nghề: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, tổ chức thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và phối hợp các Sở, ngành, đoàn thể thông báo sâu rộng cho người dân am hiểu về nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác dạy nghề. Tuyên truyền đầy đủ các chính sách học nghề hiện nay như: học sinh tốt nghiệp THCS; học sinh học các nghề nặng nhọc, độc hại... được miễn, giảm học phí khi học trung cấp, cao đẳng.
Phân luồng học sinh THCS đi học nghề: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt việc phân luồng cho học sinh THCS, tăng cường công tác tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, thị xã. Tạo điều kiện cho các trường Cao đẳng, Trung cấp đến trực tiếp các trường THCS, THPT để tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh hình thành được nhận thức về ý nghĩa của công tác phân luồng, lựa chọn ngành nghề học phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh gia đình.
Khai thác tốt việc tự chủ chương trình đào tạo, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo nội dung bám sát yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Ký kết các chương trình hợp tác và hợp đồng đặt hàng đào tạo với doanh nghiệp, xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề.
Tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và nhà doanh nghiệp, từng bước đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đảm bảo việc phối hợp giữa ba nhà "Nhà nước", "Nhà trường" và "Nhà doanh nghiệp" đạt được hiệu quả cao. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo mới, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động dạy nghề. Tổ chức các Hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp 2019; Tổ chức đoàn giáo viên tham quan tại doanh nghiệp; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở tổ chức các sàn giao dịch việc làm ở một số trường cao đẳng, trung cấp.
Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chung lĩnh vực đào tạo cùng hợp tác, đào tạo liên thông, hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo theo đúng quy định; tạo điều kiện cho các đơn vị phối hợp tuyển sinh, mở rộng, đa dạng loại hình, ngành nghề đào tạo, đặc biệt chú trọng những nghề mới phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay; theo dõi, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho các đơn vị được liên thông, liên kết đào tạo trong và ngoài tỉnh đối với các ngành nghề phù hợp theo đúng quy định.