Theo công văn, tỉnh Bình Dương quyết định cho phép người dân đã tiêm ít nhất 1 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày được tham gia lưu thông. Tuy nhiên, người lao động cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất, khi đi qua các chốt kiểm soát. Những người chưa tiêm vaccine và người tiêm mũi 1 dưới 14 ngày không được ra đường. Tuy nhiên, đối với người già, người có bệnh lý nền và trẻ em không tham gia lưu thông khi không cần thiết.
Đối với hộ kinh doanh, cửa hàng buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bán buôn hàng hóa phục vụ nhu cầu cho người dân, UBND tỉnh Bình Dương giao cho các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để quyết định cho phép mở cửa trở lại.
Đối với các vùng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục yêu cầu thực hiện các giải pháp khóa chặt ''vùng đỏ, điểm đỏ'', nhanh chóng xét nghiệm sàng lọc, bóc tách F0.
Để sớm đưa toàn tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, Thường trực Tỉnh ủy giao ngành y tế phối hợp và hỗ trợ các địa phương "vùng đỏ" nhanh chóng hoàn thành công tác xét nghiệm sàng lọc và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đối với các thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Bến Cát, Thường trực Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cố gắng hoàn thành công tác xét nghiệm sàng lọc trước ngày 15/9.
Song song với chiến dịch sàng lọc, bóc tách, các địa phương cũng cần chủ động rà soát lại danh sách người dân, công nhân lao động (kể cả người dân chưa đăng ký tạm trú và không có giấy tờ tùy thân) để tiến hành tiêm ít nhất mỗi người một mũi vaccine phòng Covid-19. Đây là điều cần thiết để người dân toàn tỉnh đạt được miễn dịch cộng đồng, tạo tiền đề vững chắc để từng bước mở cửa hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Ngoài ra, Thường trực Tỉnh ủy cũng thống nhất giao UBND các huyện "vùng xanh" lên phương án, lộ trình nới lỏng giãn cách. Cụ thể, từ ngày 10 - 15/9, tỉnh cho phép người dân lưu thông trong phạm vi xã, phường, thị trấn; từ ngày 15 - 19/9 cho phép người dân lưu thông trong phạm vi huyện, thị xã, thành phố; sau ngày 20/9 cho phép người dân lưu thông trong phạm vi toàn tỉnh.
Các địa phương cần khẩn trương thành lập, kiện toàn nhân sự và đưa vào hoạt động các trạm y tế lưu động được trang bị đầy đủ vật tư y tế tại những xã, phường, thị trấn có tình hình dịch bệnh căng thẳng, phức tạp. Các trạm y tế lưu động sẽ kết nối trực tiếp với tổ phản ứng nhanh, trạm y tế cố định của địa phương kịp thời cấp cứu, điều chuyển người bệnh.
Tính đến ngày 9/9, trong đợt dịch thứ 4, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 146.296 ca mắc Covid-19, đứng thứ hai cả nước sau TP.HCM. Đã có 93.987 khỏi bệnh được về nhà, 50.993 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện.