Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi nghỉ hưu - mục tiêu bao trùm và tương đối toàn diện

(Dân sinh) - Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, cho ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 với nữ, các đại biểu cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), đây là một Bộ luật đã được xem xét rất kỹ lưỡng, phân tích dưới rất nhiều góc độ, khía cạnh. Và vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, theo ông Sinh, là một lộ trình tất yếu cần phải triển khai.

Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi nghỉ hưu - mục tiêu bao trùm và tương đối toàn diện - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi cùng các đại biểu bên hành lang Quốc hội (Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đứng thứ 2, từ phải sang)

Cho biết rõ thêm về điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu, cũng bên hành lang Quốc hội, ngay sau khi Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được thông qua (sáng 20/11/2019), trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là một chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, cũng là tầm nhìn có tính chất chiến lược, nhằm đi trước, đón đầu với việc thách thức già hóa dân số, cũng như giải quyết một mục tiêu bao trùm vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo tăng trưởng xã hội, nhưng cũng phải cân đối để đảm bảo công ăn việc làm; bảo toàn và phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời giải quyết hài hòa, bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới.

"Đây có thể là nói là mục tiêu bao trùm và tương đối toàn diện", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Không tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ thiếu lao động trong tương lai

Cho hay, hiện nay chúng ta đang bước vào quá trình già hóa dân số, và trong tương lai gần nếu không điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, theo đại biểu Đỗ Văn Sinh đến một thời điểm, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu lực lượng lao động.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (sáng 21/10), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Nhân dân và xã hội quan tâm, các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…".

"Những nước phát triển trước chúng ta khoảng 10 - 15 năm, họ đang thiếu lao động. Vậy đến lúc chúng ta phát triển đến trình độ của họ, chúng ta muốn thu hút lao động thì lấy lao động ở đâu? Bây giờ chúng ta mới điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là tương đối chậm" – đại biểu Đỗ Văn Sinh tỉnh Quảng Trị nói.

Theo đó, đại biểu Sinh cho rằng, điều quan trọng nhất là cần phải phát triển mạnh về cầu của lao động, tức là phát triển mạnh về yêu cầu sản xuất, cũng như định hướng ưu tiên phát triển cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất trong nước để thu hút lực lượng lao động.

Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi nghỉ hưu - mục tiêu bao trùm và tương đối toàn diện - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sau khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thông qua

Cũng liên quan đến tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung và thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong cả nước chính là vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Qua thực tế nhận thấy nhiều người lao động là người cao tuổi trong một số lĩnh vực khoa học, kỹ thuật hầu hết là người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu, đây là nguồn chất xám không dễ gì tìm được.

Mặt khác, đối với những người lao động trẻ tuổi hiện nay chính sách nhà nước khi quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý có xu hướng lùi độ tuổi xuống trẻ hơn trước, do vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu, theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, là một bước cần thiết, được luật hoá để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Tăng tuổi nghỉ hưu: chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước

Khẳng định ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động có vị trí quan trọng bởi chi phối toàn bộ động lực phát triển của xã hội, trung tâm là người lao động.

Về bản chất, đây cũng là một bài toán kinh tế rất lớn, rất quan trọng bởi chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng làm thay đổi vận sự hành của cả nền kinh tế theo hướng tiêu cực hay tích cực.

Vì thế, cần hài hòa trên cả hai phương diện: phương diện giá trị về mặt nhân văn, xã hội và phương diện về kinh tế.

Một nội dung thay đổi quan trọng trong Bộ Luật lao động mới cũng được các đại biểu hết sức quan tâm, đấy là ở cấp cơ sở, người lao động giờ đây có thể thành lập các tổ chức đại diện của mình và tham gia vào quá trình thương lượng tập thể có thể giúp người lao động được hưởng phần chia công bằng từ những lợi nhuận mà họ góp phần tạo ra, mặt khác giúp các doanh nghiệp đảm bảo họ có thể đàm phán để cải thiện năng suất cần thiết.

Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi nghỉ hưu - mục tiêu bao trùm và tương đối toàn diện - Ảnh 4.

Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động cũng là một điểm mới quan trọng trong rất nhiều điểm mới của Bộ luật Lao động mới

Cũng bên hành lang Quốc hội, về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là xu hướng chung của thế giới, nhưng cũng chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ quốc gia nào, vì tác động đến hàng chục triệu người lao động. Và trong mỗi hoàn cảnh, mỗi đối tượng cụ thể, việc ứng xử phải khác nhau.

Theo lộ trình, mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, và tăng 4 tháng đối với nữ. Như vậy, đến năm 2028 mới có người đàn ông đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62. Đến năm 2035 mới có người phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.

Người đứng đầu ngành Lao động - TB&XH cũng nhấn mạnh, tinh thần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, chứ không phải trong điều kiện nặng nhọc, độc hại.

Với những lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm và ở vùng đặc biệt khó khăn thì có cơ chế điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. "Hiện nay chúng ta có 1810 ngành nghề, lĩnh vực công việc nặng nhọc, độc hại và vùng khó khăn, thì số này khoảng 3 triệu người. Con số 3 triệu người này chắc chắn sẽ được nghỉ hưu sớm hơn khoảng 5 năm và thậm chí được nghỉ sâu hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Điều 169. Tuổi nghỉ hưu

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.