Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 03/9/2019, Tổng thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ký Thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại chuyến thăm, làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế (ngày 17/8/2019). Theo đó, nhiều đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Chủ tịch Quốc hội ủng hộ và chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành xem xét giải quyết, trong đó có việc bố trí vốn cho Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế.
Thông báo Kết luận nêu rõ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu trình Chính phủ bố trí ít nhất 500 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho dự án. Đồng thời, lưu ý tiếp tục bố trí vốn cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới nhằm bảo đảm hoàn thành dự án trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (Giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng).
Mặt khác, Dự án được triển khai nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đề án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2019-2021: hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh Thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ). Gia đoạn 2, từ năm 2022-2025: hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 04 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).
Liên quan đến Đề án này, vào tháng 5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã chỉ đạo TP. Huế ưu tiên giải quyết nguyện vọng của học sinh thuộc dự án.
Theo đó, TP. Huế tạo điều kiện ưu tiên trẻ em, học sinh có hộ khẩu thường trú trong phạm vi giải phóng mặt bằng tại Khu vực I kinh thành Huế đang theo học tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở nào thì được tiếp tục học bình thường tại Trường đó cho đến hết cấp học. Trường hợp phụ huynh học sinh muốn con em mình học tại nơi ở tái định cư thì thành phố ưu tiên giải quyết. Đối với học sinh chuyển cấp học, thành phố xử lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, lớp học của địa phương.
Đối với trẻ em có hộ khẩu thường trú tại nơi bị giải tỏa trước thời điểm ban hành Quyết định thu hồi đất nhưng chưa đến tuổi đi học nếu có nguyện vọng thì được học tại các trường mầm non nơi có hộ khẩu thường trú trước khi giải tỏa. Khi đến tuổi vào lớp 1, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế giao thành phố Huế xử lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh và phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, lớp học của địa phương.
Đồng thời, Chủ tịch Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu thành phố Huế tiến hành khảo sát nguyện vọng của phụ huynh học sinh để có phương án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố ngay từ năm học 2019-2020 đảm bảo phù hợp, chất lượng và hiệu quả.