Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải phối hợp ứng phó toàn cầu, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 và các quốc gia khách mời đã được tổ chức vào 18h00 (giờ Hà Nội) ngày 10/9/2020.
Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung tham dự tại điểm cầu Việt Nam, với tư cách khách mời trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN.
Đảm bảo mọi người được tiếp cận việc làm thỏa đáng
Mở đầu khai mạc, ông Ahmed AlRajhi, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực và Xã hội Ả rập Xê út nước chủ nhà đăng cai Hội nghị này nhìn nhận, đại dịch ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế, đời sống và thu nhập, việc làm của nhiều người lao động.
Vì thế thách thức toàn cầu hiện nay là ổn định thị trường lao động, đồng thời phải thay đổi hệ thống bảo trợ xã hội, cũng như cần có các biện pháp hữu hiệu giảm thiểu tác động đại dịch lên thị trường lao động và nền kinh tế của chúng ta.
Do đó, Bộ trưởng Lao động và Việc làm các quốc gia G20 đều bày tỏ sự cần thiết tổ chức Hội nghị này, để cùng nhau bàn bạc và đưa ra các giải pháp, nỗ lực chung, trên tinh thần đoàn kết để giải quyết, duy trì ổn định về an sinh xã hội, nâng cao kỹ năng nghề, đảm bảo việc làm cho phụ nữ, lao động phi chính thức; bảo vệ việc làm và thu nhập của người dân…
Các Bộ trưởng cho rằng, chống dịch và vượt qua đại dịch là "vấn đề quan trọng ưu tiên hàng đầu", đồng thời ủng hộ việc đưa ra Tuyên bố cấp Bộ trưởng, và tại Hội nghị, đã ra Tuyên bố về "Hiện thực hóa các Cơ hội trong thế kỷ XXI cho tất cả mọi người".
Phát biểu tại Hội nghị, khẳng định sự nhất trí và đánh giá cao Tuyên bố của Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 "Hiện thực hóa các Cơ hội trong thế kỷ XXI cho tất cả mọi người", Bộ trưởng LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung cho rằng, Tuyên bố đã thể hiện tầm nhìn của các Bộ trưởng về các cơ hội và thách thức đặt ra cho tất cả các nền kinh tế trong lĩnh vực lao động - việc làm trong thế kỷ 21.
"Đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới đang phải nỗ lực giải quyết những thách thức mà đại dịch Covid-19 đang đặt ra đối với mọi quốc gia trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế, việc làm và an sinh xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo đó, ông cho rằng, Tuyên bố cũng đã thể hiện cam kết chung của chúng ta. Đó là hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm trên cơ sở đảm bảo mọi người được tiếp cận với việc làm thỏa đáng và một hệ thống an sinh xã hội hiệu quả.
Chuẩn bị cho lao động ASEAN trước thế giới công việc đổi thay
Với vai trò đại diện nước Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ trưởng chia sẻ một số thông tin về hoạt động của ASEAN và Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN đặc biệt trực tuyến về Covid-19 diễn ra vào tháng 5 vừa qua, các Bộ trưởng ASEAN đã đưa ra những cam kết chung tay hợp tác ứng phó với tác động của đại dịch đối với vấn đề lao động và việc làm.
"Chúng tôi cũng nỗ lực thúc đẩy một xã hội chăm sóc và chia sẻ thông qua việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội nhằm đề cao vai trò của các nhân viên công tác xã hội trong bối cảnh phải ứng phó với những thách thức lớn về kinh tế-xã hội như Đại dịch Covid 19 hiện nay", ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Đề cập đến Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay vừa được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thông tin, trong đó nhấn mạnh tác động của thay đổi công nghệ, già hóa dân số, biến đổi khi hậu và dịch bệnh đối với vấn đề lao động, việc làm.
Và đặc biệt, Tuyên bố này đề ra những hành động để chuẩn bị cho lực lượng lao động ASEAN trước thế giới công việc đang đổi thay.
Nhiều gói hỗ trợ giúp DN, người lao động vượt qua khó khăn
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ việc Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ Đô la Mỹ) để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng, nhằm hỗ trợ những người lao động và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng thông tin, Chính phủ có thể ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, đồng thời hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về mặt xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, nâng cao kỹ năng nghề...
"Nhờ những giải pháp quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và người lao động, dự báo trong năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương", Bộ trưởng nói.
Chia sẻ, những thách thức mà Covid 19 đặt ra đòi hỏi những cam kết và nỗ lực mang tính toàn cầu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa đánh giá cao, những cam kết được đưa ra trong Tuyên bố Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 ngày hôm nay "là những định hướng quan trọng để mỗi quốc gia, căn cứ vào yêu cầu cũng như nguồn lực có được, sẽ đưa ra những quyết sách phù hợp về lao động – việc làm để vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng phụ trách Lao động và Việc làm G20 đã nhấn mạnh hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện được các ưu tiên năm 2020 của khối.
Bao gồm: Điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội để phản ánh các phương thức làm việc đang thay đổi; chuẩn bị tốt hơn cho thanh niên để bắt đầu bước vào giai đoạn đi làm;
Điều chỉnh chính sách về thị trường lao động căn cứ vào những đổi thay về hành vi của các chủ thể trên thị trường lao động;
Các vấn đề liên quan tới việc làm cho phụ nữ; tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội nhằm bảo vệ và hỗ trợ các nhóm yếu thế như: người khuyết tật, phụ nữ và thanh thiếu niên, đồng thời nhận diện tác động và cơ hội do công nghệ mang lại và chuản bị cho những triển vọng tích cực của tương lai việc làm.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 năm 2020 "Hiện thực hóa các Cơ hội trong Thế kỷ XXI cho tất cả mọi người" trong đó nhấn mạnh các nước sẽ hợp tác chặt chẽ để ứng phó với đại dịch Covid-19, đảm bảo rằng các nỗ lực phục hồi kinh tế và thị trường lao động sẽ đặt tăng trưởng bền vững và việc làm có chất lượng làm ưu tiên.
Cùng với đó, điều chỉnh hệ thống bảo trợ xã hội mang tính bao trùm để bảo vệ cho mọi người lao động, bao gồm cả các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, những lao động trong khu vực phi chính thức.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp để đạt được Mục tiêu Thanh niên Antalya là giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp xuống 15% vào năm 2025 và giảm khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia của phụ nữ và nam giới trong G20 vào năm 2025.