Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ TT&TT: An toàn, an ninh mạng cần phải đi trước một bước

Tại Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã một lần nữa nhấn mạnh, an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số do đó cần phải đi trước một bước.

Đưa Việt Nam vào nhóm 45 – 50 nước dẫn đầu thế giới về chỉ số GCI

Cũng trong Chỉ thị đầu tiên được ban hành trong năm mới 2020, Bộ TT&TT chỉ đạo tập trung bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước. Giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quốc gia phục vụ Chính phủ điện tử thông qua Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải do chính doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và làm chủ để phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Lực lượng an toàn, an ninh mạng có trách nhiệm bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng.

Cùng với đó, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cần được tiếp tục đầu tư để có đủ năng lực giám sát, phân tích, phân tích, dự báo tình hình trên không gian mạng, kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, đảm bảo một không gian mạng lành mạnh và tích cực.

Bộ TT&TT: An toàn, an ninh mạng cần phải đi trước một bước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cũng trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ xây dựng Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo kế hoạch, nhiệm vụ xây dựng Quyết định phê duyệt Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được Cục An toàn thông tin hoàn thành vào quý III/2020.

Để phát triển lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác đã được Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung làm tốt trong năm nay, đó là: Đề án đưa Việt Nam trở thành trung tâm chia sẻ và phân tích an toàn thông tin ASEAN; thiết lập và vận hành Trung tâm nghiên cứu và phát triển quốc gia về an toàn không gian mạng; thành lập Liên minh sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng nhằm nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, đưa các sản phẩm an toàn, an ninh mạng của Việt Nam làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.

Chị thị 01 của Bộ TT&TT còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực thi nghiêm túc các nhiệm vụ tại Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm tiếp tục cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, với nhiều chỉ tiêu đề ra trong năm nay, bao gồm: 100% các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam triển khai bảo vệ an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp;

100% bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia của Bộ TT&TT; 100% các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đầu tư và triển khai các biện pháp kỹ thuật đảm bảo khả năng xử lý các nguồn thông tin vi phạm pháp luật, các biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia theo hướng dẫn của Bộ TT&TT.

Đặc biệt, cũng tại Chỉ thị đầu tiên của năm mới 2020, Bộ TT&TT đặt mục tiêu đến hết năm 2020 Việt Nam sẽ vào nhóm 45 – 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu – GCI của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU).

Việt Nam lần đầu có tên trong nhóm nước cam kết cao về an toàn, an ninh mạng

Việc các tổ chức uy tín trên thế giới có đánh giá tích cực về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã được nhận định là một điểm nhấn nổi bật trong năm 2019. Cụ thể, theo báo cáo GCI 2019 của ITU, năm 2018 Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 50 bậc so với năm 2017 và là lần đầu tiên lọt vào nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ có độ cam kết cao về an toàn, an ninh mạng.

Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 11/38. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/11 (thứ hạng của Việt Nam năm 2017 là 9/11), xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Chỉ số hành lang pháp lý của Việt Nam được đánh giá điểm ở mức cao: 0,165/0,2, đạt 82,5%.

Còn theo báo cáo của Kaspersky về tình hình bảo mật quý II/2019, từ tháng 4 - 6/2019, hãng này đã phát hiện hơn 19,8 triệu sự cố, tương ứng với 27,7% người dùng tại Việt Nam bị tấn công bởi các mối đe dọa từ Internet; so với thời điểm năm 2018, số lượng các mối đe dọa trực tuyến đã giảm 36,84%.

Theo phân tích của Cục An toàn thông tin, đạt được kết quả tích cực trên có sự đóng góp của nhiều bộ, ngành, địa phương và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện chương trình công tác, Cục An toàn thông tin đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, là cầu nối gắn kết công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật với cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam cũng như góp phần nâng cao nhận thức chung của xã hội về tầm quan trọng của vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh mạng quốc gia, trong năm 2019, Bộ TT&TT đã giám sát gián tiếp (từ xa) cho 85 cơ quan, tổ chức gồm 14 bộ ngành, 63 địa phương và 8 tổ chức khác; giám sát trực tiếp (đặt thiết bị quan trắc cơ sở) cho 15 cơ quan, tổ chức. Có 31 bộ, ngành, địa phương đã kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; và Hệ thống phòng chống mã độc tập trung đã có thể hỗ trợ giám sát mã độc cho gần 43.000 máy tính của các cơ quan, tổ chức này.

Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong năm ngoái, đã ghi nhận 5.202 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gồm 1.434 cuộc tấn công thay đổi giao diện, 3.189 cuộc tấn công lừa đảo và 579 cuộc tấn công cài mã độc, giảm hơn 50% so với năm 2018. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma là khoảng 6,5 triệu địa chỉ, giảm 9% so với năm 2018.