Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ Y tế phát động “Tuần lễ dinh dưỡng và sức khỏe”

(Dân sinh) - Hưởng ứng ngày Lương thực tế giới (16/10) và thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng đã tổ chức triển khai “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển” từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 10 năm 2019.

Bộ Y tế phát động “Tuần lễ dinh dưỡng và sức khỏe” - Ảnh 1.

Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe. Ảnh: Internet.

Với chủ đề "Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe", tuần lễ dinh dưỡng và phát triển được phát động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cũng như tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về chế độ dinh dưỡng, vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 75% số trường hợp tử vong ở Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout… Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng gần gấp 2 lần sau 13 năm (1992-2005). Tỷ lệ thừa cân - béo phì tăng gấp 5 lần sau 5 năm (2000 - 2005). Tỷ lệ đái tháo đường tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm (2002 - 2012). Các tỷ lệ này cao hơn ở những thành phố lớn, và nguy cơ quan trọng hàng đầu dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh mạn tính không lây trên chính là chế độ dinh dưỡng bất hợp lý.

Trong "Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển" năm nay, Viện Dinh dưỡng sẽ tập trung chủ yếu vào những hoạt động nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành của người dân về dinh dưỡng hợp lý. Từ đó khuyến khích lối sống năng động, lành mạnh để phòng chống các bệnh mạn tính không lây, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi. Phối hợp với các Ban, Ngành, Đoàn thể ở địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt chú trọng đến những hộ gia đình ở những vùng khó khăn, hay xảy ra thiên tai, bão lũ.

Bên cạnh đó, Viện Dinh dưỡng cũng khuyến khích phát triển mô hình sản xuất Vườn Ao Chuồng (VAC) gia đình trên cơ sở bảo vệ môi trường, tạo nguồn thực phẩm "sạch" và an toàn. Hướng dẫn người dân sử dụng đa dạng các loại thực phẩm có sẵn ở địa phương cho bữa ăn gia đình. Tăng cường ăn các loại rau, củ, quả, trái cây, các loại hạt, hạn chế tiêu thụ những thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh. Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường; thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ.