Cách trung tâm thị trấn Võ Nhai, Thái Nguyên gần 20km, để đến được Trường tiểu học Lũng Luông thuộc xã Thượng Nung, chúng tôi phải vượt qua con đường dốc ngoằn ngoèo, dựng đứng 45 độ. Nằm trên đỉnh núi cao giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, Trường tiểu học Lũng Luông hiện lên trước mắt như một bông hoa rực rỡ sắc màu giữa màu xanh của núi rừng Võ Nhai.
Đường đến Trường tiểu học Lũng Luông.
Được biết năm 2014, GS Ngô Bảo Châu đến thăm trường Lũng Luông, thấy học sinh ngồi học trong những lớp học thô sơ, bốn bề tứ phía hở trước, hụt sau. Hai năm sau, Quỹ Trò nghèo vùng cao (chương trình Cơm có thịt) kết hợp với kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Vũ Xuân Sơn (Văn phòng 1+1>2) hoàn thành ngôi trường mới cho các em nhỏ ở Lũng Luông. Ngôi trường được xây trên diện tích 1.200 m2, với 8 lớp khối tiểu học, 2 lớp mầm non, phòng đa năng, khu văn phòng, ký túc xá cho học sinh, giáo viên, khu nhà bếp, khu vệ sinh riêng biệt.
Với quan niệm trường là núi, núi là trường, đứng từ mọi góc đều thấy khe núi. Các lớp học tương thích với núi, còn khoảng trống giữa các lớp là khe, tạo nên bức tranh kiến trúc dán chặt vào địa hình. Hành lang nối các khu chức năng, lớp học không phẳng mà tôn trọng địa hình tự nhiên, uốn lượn lên xuống như đường đèo. Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào tạo ra một ngôi trường tiện nghi, có thể chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Thiết kế của trường đảm bảo các tiêu chuẩn về trường học như chiếu sáng, thông gió, cách âm. Công trình có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà nội trú, khu vệ sinh. Với những đường nét thiết kế đơn giản nhưng khá mềm mại, duyên dáng; sử dụng vật liệu truyền thống: Tre, gỗ, gạch mộc…, công trình tạo một không gian hài hòa với cảnh quan núi rừng.
Để tiết kiệm kinh phí và giúp tăng khả năng cách nhiệt - mát về mùa hè, ấm về mùa đông, gạch xây dựng được làm từ đất tại chỗ, tận dụng lại từ công tác san lấp mặt bằng. Mặt bằng tổng thể công trình có bố cục khá tự do và ngẫu hứng, đem lại những cảm xúc tươi mới. Không gian được tổ chức linh hoạt thành các lớp trong - ngoài, rỗng - đặc, không gian tĩnh - động, giữa các khối với nhau. Bên trong Trường tiểu học Lũng Luông còn có mặt bằng không gian tự do đầy ngẫu hứng, với nhiều khoảng mở hướng ra thiên nhiên, núi rừng.
Là người đã có thời gian gắn bó với Trường tiểu học Lũng Luông từ năm 2013, cô giáo Nông Thị Nơi, dân tộc Tày nhớ lại: Trước đây, để đến được trường là cả một hành trình vất vả. Sáng tinh mơ ngày thứ 2 đầu tuần, các thầy cô lại khăn gói lương thực, nhu yếu phẩm và đồ dùng cần thiết cho cả tuần hướng phía núi cao thẳng tiến. Cả chặng đường rừng núi dài 5km, các thầy cô phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ mới tới nơi; rồi chiều thứ 6 lại cùng nhau "hạ sơn".
Trước khi có dự án do Quỹ Trò nghèo vùng cao tài trợ, trường rất tạm bợ với những tấm bạt ngăn gió lùa mùa đông rách nát, nền đất, tường là những ván ghép sơ sài, mái lợp fibro xi măng nứt nẻ, chái nhà quây phên nứa, mưa tạt, gió lùa. Điện không có, tối đến các cô phải thắp đèn dầu để soạn giáo án. Đường đến trường xa, học sinh nghỉ học nhiều, để các em có thể đọc thông, viết thạo là cả một quá trình gian nan của cả cô và trò. Có những em phải mất vài năm mới có thể đọc thông viết thạo được.
Học sinh lớp 1A trong giờ học Tiếng Việt.
Nhớ lại những ngày xây dựng trường, cô Nơi chia sẻ: "Nhiều kỷ niệm lắm! Lúc bắt đầu khởi dựng, anh em kiến trúc sư và thợ thuyền đều cùng ăn ở lại, vì đi lại khó khăn. Từ xã vào trường phải qua 3 con suối, có chỗ dốc dựng đứng, chưa dễ đi như bây giờ. Mùa mưa, gạch không khô cứng đủ độ, thợ phải chờ đến mấy ngày. Xây gạch đất nên đông ấm, hè mát, lại đẹp mắt. Từ ngày có trường đẹp, chỗ nghỉ trưa đàng hoàng, lại được ăn trưa miễn phí nên học sinh rất phấn khởi đến lớp. Chúng tôi không quá vất vả đi vận động từng em như trước".
Em Lý Sơn Đông, học sinh lớp 5A vui vẻ cho biết: "Được học ở trường mới con rất thích. Trường đẹp, bàn ghế đẹp, chỗ ngủ có đệm ấm và được ăn cơm trưa cùng các bạn… Con thích lắm! Nên dù mỗi ngày phải đi bộ 3km mới đến được trường nhưng con vẫn đi học đầy đủ. Con cố gắng học hành chăm chỉ để sau này trở thành chiến sĩ công an".
Cô giáo Lương Thị Ngọc Linh, chủ nhiệm lớp 1A kể: Do địa hình phức tạp, đời sống đồng bào còn khó khăn, nhận thức bị hạn chế, nên trước đây mỗi khi vào năm học mới, giáo viên rất vất vả vì phải đi đến từng nhà để vận động học sinh đi học. Rồi khi đến trường, để tổ chức cho các em học 2 buổi như bây giờ cũng khó lắm mà học sinh cũng không đi học đều, có khi 1 tuần chỉ đi học 1, 2 buổi. Bây giờ khác rất nhiều, các em bạo dạn, gần gũi hơn. Vui nhất là các em đã ham học, thích đến trường, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, lễ phép với thầy cô. Trước đây, muốn gần gũi, trò chuyện cùng các em là vô cùng khó, vì thấy cô là học sinh lảng tránh, e dè; nhưng giờ đã khác, các em chủ động trò chuyện với các cô. Chỉ vậy thôi nhưng giáo viên chúng tôi thấy ấm áp vô cùng, đó cũng là món quà quý giá đối với giáo viên vùng cao. Chính các em đã tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề cho chúng tôi", cô Ngọc Linh chia sẻ.
Buổi trưa ở Lũng Luông thật yên bình, tiết trời dần ấm hơn, các con đã đến giờ ăn trưa. Trong từng lớp học đều đồng thanh vang lên: "Chúng con mời cô giáo ăn cơm ạ. Mời các bạn cùng ăn cơm". Từng suất cơm có đầy đủ rau xanh, canh và thịt được các cô chia đều. Đón suất cơm từ tay cô giáo, các em cảm ơn cô rồi ngồi ăn một cách ngon lành.
Cô giáo Diệu Linh nét mặt rạng rỡ ngắm nhìn học sinh ăn cơm. "Nhìn học trò ăn ngon như vậy, giáo viên vui lắm. Học sinh nào giờ đây cũng thích đến trường, vui vẻ, cởi mở, dù đường từ nhà tới trường đi lại khó khăn vì toàn đá núi chênh vênh; thậm chí có em đi bộ 6 - 7 cây số nhưng các con vẫn đến lớp đầy đủ", cô Diệu Linh phấn khỏi cho biết.
Cô Nơi cho biết thêm, tiền thân là 2 điểm trường Lũng Luông và Lũng Cà thuộc Trường Tiểu học Thượng Nung. Được chia tách thành lập tháng 8/2014, hiện trường có 108 học sinh, ở 2 điểm trường với 21 cán bộ, giáo viên. Dù còn không ít khó khăn, vất vả nhưng được sự quan tâm của các nhà hảo tâm khiến chúng tôi có thêm động lực, trách nhiệm và tâm huyết hơn với sự nghiệp trồng người ở đây.
Chia tay Lũng Luông, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của những học trò nghèo khi được học tập tại một ngôi trường đẹp, hiện đại. Đây thực sự là món quà ý nghĩa để các em thắp sáng ước mơ, hoài bão về một tương lai mới.