Về tổ chức thực hiện, sẽ hoàn thiện và thực hiện đồng bộ quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục; ưu tiên giải quyết, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ xâm hại trẻ em; rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời; bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong quá trình tố tụng. Truyền thông, giáo dục pháp luật, kỹ năng về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nâng cao năng lực cho các cán bộ hệ thống tư pháp, cán bộ hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cần tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã để triển khai có hiệu quả quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại. Tranh thủ các nguồn lực quốc tế đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng chống xâm hại trẻ em; trao đổi kinh nghiệm; tham gia các nghiên cứu, khảo sát; đăng cai các sự kiện, hội nghị cấp khu vực và toàn cầu về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, có chính sách khuyến khích cho các cơ quan, tổ chức, cá nhận tham gia cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Bộ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo giám sát việc thực hiện Luật trẻ em và pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; việc bố trí nhân lực, ngân sách ở địa phương để thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp; trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các bộ, ban, ngành trung ương. Thẩm tra việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt các quyền được bảo vệ của trẻ em trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bộ, ngành, địa phương và quốc gia. Quyết định dành tỷ lệ ngân sách hằng năm phù hợp cho việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em. Chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội trong việc xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến trẻ em. Hướng dẫn việc thực hiện trách nhiệm tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định tại khoản 4 Điều 79 Luật trẻ em.
Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc xác định các nội dung, mục tiêu và chỉ tiêu bảo vệ trẻ em trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chỉ đạo việc bố trí và sử dụng ngân sách hằng năm của bộ, ngành, địa phương để thực hiện các chính sách, mục tiêu, chỉ tiêu trong các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc việc bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia để theo dõi, đánh giá tình hình bảo vệ trẻ em.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quy trình, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn theo thẩm quyền các quy định liên quan đến hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em trong trường hợp trẻ em bị xâm hại bởi chính cha, mẹ, người chăm sóc theo khoản 3 Điều 52 Luật Trẻ em. Mở rộng tổ chức và hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên nâng cao năng lực cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân về xét xử các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ Tư pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về nội dung này. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến việc giám định pháp y trong Luật giám định tư pháp để bảo đảm thu thập chứng cứ nhanh chóng, kịp thời đối với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em; tăng quyền yêu cầu giám định của gia đình, người giám hộ.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn việc ưu tiên hỗ trợ điều trị, giám định đối với trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục. Rà soát, cập nhật việc chuẩn hóa tiêu chí đánh giá tổn hại về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em bị xâm hại, đáp ứng nhu cầu giám định pháp y đối với các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Xây dựng và nhân rộng mô hình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trẻ em bị xâm hại trong các cơ sở y tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường truyền thông, giáo dục, hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo và tố giác hành vi vi phạm quyền trẻ em. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, xử lý cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động báo chí, cung cấp dịch vụ và hoạt động trên môi trường mạng thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ trẻ em, bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực, xâm hại tình dục.
Bộ Công an hướng dẫn, chỉ đạo, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cơ quan công an các cấp, đặc biệt là cấp huyện, trong việc xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Tiếp tục mở rộng mô hình điều tra thân thiện đối với trẻ em và người chưa thành niên. Xây dựng quy trình, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ chuyên biệt đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em…