Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết, Uỷ ban quốc gia về trẻ em thời gian qua đã cụ thể hóa 5 nhóm nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Về công tác tăng cường phối hợp liên ngành trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em, phù hợp với quy định của Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em được triển khai tích cực.
Hàng năm, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về trẻ em và trách nhiệm của thường trực Ủy ban, Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện Luật trẻ em và các chương trình, đề án, dự án về trẻ em đã được phê duyệt; chỉ đạo tổ chức tập huấn cho cán bộ trung ương và địa phương về thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tập huấn về vận hành cơ sở dữ liệu cho cán bộ làm công tác trẻ em các tỉnh, thành phố. Đồng thời xây dựng kế hoạch liên ngành nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong thời gian tới.
Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền về thực hiện quyền trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch triển khai truyền thông về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội rà soát, xây dựng tài liệu, sản phẩm truyền thông và tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em (các chiến dịch "lan tỏa yêu thương"; chiến dịch "suy nghĩ trước khi chia sẻ"…). Thông tin, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trên các kênh tuyền thông đại chúng và mạng xã hội. Truyền thông vận động xã hội, thúc đẩy phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em".
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em. Trong năm 2018, Ủy ban Quốc gia về Trẻ em đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra giám sát việc thực hiện quyền trẻ em ở 04 tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Các Bộ, ngành cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện công tác chuyên môn của ngành và kết hợp kiểm tra công tác trẻ em theo trách nhiệm được giao. Trung ương Đoàn đã thành lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ và theo chuyên đề tại 44 tỉnh, thành phố, trong đó nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến nguyện vọng của trẻ em được lồng ghép, gắn với các nội dung công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Thông qua kiểm tra, giám sát nắm bắt thực tiễn triển khai tại cơ sở; kịp thời định hướng những chủ trương, nội dung mới, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; ghi nhận và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Luật trẻ em.
Trong năm 2019, Ủy ban đã ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra liên ngành tình hình thực hiện quyền trẻ em và công tác trẻ em: Kiểm tra liên ngành đối với 2 Bộ: Giáo dục và Đào tạo và Y tế; Kiểm tra 7 tỉnh/thành phố: Đồng Nai, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Bình Dương và Hà Nội. Đoàn công tác gồm đại diện các bộ, ngành là thành viên Ủy ban và đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Thanh tra liên ngành ( Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp) đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở trợ giúp xã hội tại: Thái Bình, Đà Nẵng, An Giang và TP Hồ Chí Minh. Tính đến hết tháng 7/2019, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm trưởng đoàn đã kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình.
Dự kiến, trong năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ hoàn thiện hướng dẫn hoạt động của Ban điều hành, Ban Bảo vệ trẻ em các cấp, đồng thời, rà soát các văn bản pháp luật liên quan, chuẩn bị kiến nghị gửi tới các cơ quan, đoàn giám sát tối cao, tập hợp những vấn đề đã đôn đốc các đơn vị, cơ quan thực hiện làm cơ sở báo cáo lên Uỷ ban Tư pháp, Uỷ ban về Các vấn đề xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Trách nhiệm bảo vệ chăm sóc trẻ em phải được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương một cách cụ thể. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các vấn đề bạo lực xâm hại trẻ em, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em làm con nuôi...