Các trường nghề khó khăn khi dạy thực hành
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 10/5, UBND TP.HCM có chỉ đạo tạm ngừng các hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các đơn vị, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Việc ngừng các hoạt động dạy - học trực tiếp đã khiến nhiều trường cao đẳng, trung cấp gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức dạy thực hành cho học viên, sinh viên.
Đại diện Trường Cao đẳng Viễn Đông TP.HCM cho biết, những môn đang được nhà trường giảng dạy trực tuyến phần lớn là lý thuyết. Về dạy thực hành, nhà trường đang hỗ trợ sinh viên bằng cách gửi tài liệu, video thầy, cô giáo đang thực hành để sinh viên có thể nắm bắt, tự học và làm theo. Dù vậy, dạy thực hành trực tuyến gặp khó khăn, hiệu quả không cao do trang thiết bị của sinh viên không ổn định và nhiều trường hợp không thực hiện được.
"Giáo dục nghề nghiệp là dạy nghề, không thực hành là không hợp lý. Trường nghề chiếm 70% khối lượng là thực hành, nên việc dạy thực hành trong mùa dịch đang là mối trăn trở rất lớn với nhà trường", đại diện Trường Viễn Đông nói.
TS Bùi Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (HVCT) cho biết, tình hình dịch diễn biến phức tạp nhà trường đã dừng việc làm trực tiếp tại trường chuyển toàn bộ các hoạt động của trường sang làm việc online. Do vậy, phương án tuyển sinh, giảng dạy, các hoạt động khác cũng chuyển sang hình thức online.
Hiện nhà trường đang có 8 khoa, 5 phòng ban, 5 trung tâm với 128 cán bộ, viên chức và khoảng 3.900 sinh viên. "Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chúng tôi đã chủ động cho các em sinh viên ở nhà học online. Việc này đã thực hiện trước khi UBND TP.HCM có quyết định về việc tạm ngưng các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục từ ngày 10/5/2021", TS Bùi Văn Hưng thông tin.
Tuy nhiên theo TS Hưng, việc dạy online chủ yếu là phần lý thuyết còn đối với phần thực hành thì gặp nhiều khó khăn từ phía nhà trường và phía các em học sinh, sinh viên.
Biến thách thức thành động lực
Để giải quyết những khó khăn trong chương trình dạy thực hành, nhiều trường nghề đã đầu tư ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo nhằm giúp sinh viên duy trì việc thực hành.
Để dạy thực hành cho sinh viên trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, Trường Cao đẳng Viễn Đông TP.HCM đã nhập mô hình đào tạo, thực hành các ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ Cộng hòa Liên bang Đức. Cụ thể, với môn giải phẫu sinh lý của ngành điều dưỡng, các mô hình cơ thể người được số hóa theo mã QR. Sinh viên có thể lên mạng và thao tác với những mô hình này không khác gì ngoài thực tế.
TS. Bùi Văn Hưng cho biết, ngay từ đầu mùa dịch, nhà trường đã chủ động giảng dạy trực tuyến; hiện nay nhiều thầy cô đã say mê với "sân chơi công nghệ số", ứng dụng, phát triển, cũng như tự khám phá được nhiều công cụ hỗ trợ cho bài giảng thêm sinh động và phong phú.
Bên cạnh đó, nhà trường dành nguồn kinh phí lên tới vài tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng phòng studio và các trang thiết bị hỗ trợ giáo viên thực hiện các bài giảng trực tuyến; đồng thời, tìm kiếm kinh phí từ các tổ chức phi Chính phủ để đưa 5 cán bộ giáo viên đi Phần Lan học tập và chuyển giao công nghệ đào tạo.
Nhà trường đã đầu tư một số máy hàn ảo cho sinh viên thực hành. Thiết bị mô phỏng các thao tác hệt như hàn thật nhưng sinh viên sẽ thực hiện trên máy tính, khi sử dụng thiết bị đó trên máy tính thì nó mô phỏng gần như 85 - 90% cách hàn thực tế.
Những thiết bị này sẽ đảm bảo giãn cách và an toàn hơn cho người học trong giai đoạn "bình thường mới" tới đây. Trong tương lai nhà trường tiếp tục mở rộng đào tạo trực tuyến cả về số lượng và chất lượng.
Sinh viên Trần Phú (Trường HVCT) chia sẻ: "Khi được thông báo học trực tuyến, em khá hoang mang. Bởi đối với sinh viên học cao đẳng thực hành là rất quan trọng. Học online khiến chúng em không hình dung được mình sẽ tiếp thu được những gì nếu chỉ ngồi ghi chép và lắng nghe lý thuyết. Khi học thiết bị thực hành online chúng em đã tháo gỡ được một phần lo lắng".