Trong quá trình phát triển, các nhà sản xuất luôn cố gắng tìm cách cải thiện tính khí động học cho những chiếc ôtô của mình, đặc biệt với các hãng siêu xe hay xe thể thao. Điều đó thể hiện rõ nhất ở việc xe được chế tạo với gầm thấp hơn, mũi xe nhỏ cong đều và đuôi xe thuôn dài với cánh lướt gió.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực cái thiện về mặt thiết kế đều gặp phải vướng mắc ở gương chiếu hậu hai bên. Đây là bộ phận không thể thiếu đối với ôtô sử dụng trên đường bình thường, giúp tài xế quan sát được các phương tiện phía sau trong quá trình lái nhưng lại gây mất tính khí động học nhất đối với một chiếc xe.
Những năm gần đây, biện pháp giải quyết vấn đề đã được một số nhà sản xuất tìm ra khi họ quyết định sử dụng camera thay thế cho những chiếc gương to bản, tạo lực cản lớn. Trước đây, chúng thường xuất hiện trên các mẫu xe ý tưởng (concept) nhưng đến năm 2018 đã bắt đầu được trang bị trên ôtô thực tế, và chủ yếu trên xe sang.
Ngoài việc giảm lực cản (đồng nghĩa với giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ), trang bị camera còn có rất nhiều ưu điểm nổi trội. Điển hình như khả năng cung cấp tầm nhìn tốt hơn, camera không bị giới hạn kích cỡ vùng quan sát như gương nên có thể giúp tài xế có góc nhìn lớn; hoặc sử dụng linh hoạt khi sử dụng vì đây là công nghệ kỹ thuật số, có thể điều chỉnh dễ dàng theo từng điều kiện thời tiết như trời tối, sương mù hay mưa bão,...
Gương chiếu hậu "camera" giúp tài xế dễ quan sát hơn trong mọi điều kiện. Ảnh: The Drive
Tuy vậy, công nghệ mới cũng không thể tránh khỏi một số hạn chế nhất định, đặc biệt khi tài xế phải làm quen với cách quan sát qua màn hình được đặt ở một nơi khác hoàn toàn với bình thường. Đồng thời, các màn hình hiển thị hình ảnh chắc chắn sẽ không chân thực bằng quan sát qua gương, nên sẽ khiến tài xế khó xác định khoảng cách của phương tiện phía sau. Và còn nhiều vấn đề khác.
Thực tế, công nghệ hiện đại trên đã được trang bị trên một số mẫu xe từ cách đây lâu, nhưng Lexus ES là một trong những đại diện đi đầu trong việc loại bỏ gương chiếu hậu truyền thống để thay bằng camera gắn hai bên thân xe, cùng với các màn hình nhỏ đối xứng ở trong khoang cabin. Mẫu xe điện Audi e-tron cũng được trang bị các camera như vậy khi ra mắt và mới nhất là Honda E.
Dĩ nhiên, do còn khá mới mẻ nên công nghệ này vẫn chưa được cho phép trang bị chính thức tại đa số các khu vực trên thế giới. Hiện tại, các mẫu xe trên mới được cấp phép sử dụng camera thay thế gương chiếu hậu tại một số nơi như: Nhật Bản, châu Âu,...Còn những thị trường lớn khác, tính năng đó vẫn chưa được cấp phép chính thức. Hồi tháng 9, Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Hoa Kỳ (NHTSA) cho biết họ vẫn đang xem xét và đánh giá việc sử dụng camera thay thế gương chiếu hậu dù đã nhận được kiến nghị từ năm 2014.
Concept GT-PHEV của Mitsubishi với camera được trang bị thay thế gương chiếu hậu.
Tại Việt Nam, việc sử dụng camera thay thế gương chiếu hậu chưa xuất hiện trên mẫu xe thực tế chạy trên đường nào nhưng đã hiện hữu trên các mẫu concept mới được giới thiệu gần đây. Nổi bật nhất trong số đó là GT-PHEV, SUV mới trưng bày tại triển lãm VMS 2019 ở TP HCM và trong sự kiện Mitsubishi Festival diễn ra tại Hà Nội. Ngoài ra, còn có mẫu SUV Lexus LF-1 Limitless cũng có mặt ở triển lãm VMS vừa qua.
Mặc dù vậy, công nghệ này sẽ cần khá nhiều thời gian nữa để chứng minh hiệu quả thực tế, đồng thời, người lái cũng cần thêm thời gian làm quen với cách sử dụng xe mới. Nhưng hơn hết, việc sử dụng camera thay gương chiếu hậu chắc chắn sẽ giúp tăng tính khí động học, giảm lực cản không khí lên ôtô.
Gương chiếu hậu đang dần thay thế bởi camera và hỗ trợ rất nhiều cho người lái trong việc quan sát phía sau và điều khiển xe an toàn hơn, nhưng gương chiếu hậu nhiều khả năng sẽ biến mất để thay thế bằng công nghệ hiện đại và hiệu quả hơn.