Trước đó, chiều 16/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế khi tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ Quốc phòng có Công văn số 3895/BQP-CT ngày 16/10 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Tờ trình số 9249/TTr- UBND ngày 15/10 về việc đề nghị truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 11 quân nhân và 2 cán bộ hy sinh ngày 13/10 trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo đó, ngày 12/10, do ảnh hưởng thời tiết xấu dẫn đến sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi có tin báo, cơ quan quân đội và chính quyền địa phương đã thành lập Đoàn Công tác gồm các đơn vị: Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và các cơ quan Quân khu; Cục Cứu hộ, cứu nạn; UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế; UBND huyện Phong Điền; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền, tổng số 26 người.
Đoàn Công tác có nhiệm vụ vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, xác minh, kiểm tra thông tin theo tin báo.
Khi đến địa phận đường 71, có ngầm tràn sâu, ô tô không đi qua được, Đoàn đã để lại xe ô tô và đi bộ vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (Đoàn vào 21 người, 5 người ở lại).
Tại đây, bắt đầu mất liên lạc với Đoàn do khu vực không có sóng điện thoại. Đến 21 giờ cùng ngày, Đoàn đi bộ đến Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ và dừng nghỉ lại Trạm.
Vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 13/10, bất ngờ có tiếng nổ lớn và sụt toàn bộ núi lên khu vực Đoàn đang nghỉ, 8 người trong Đoàn thoát khỏi khu vực sạt lở, còn lại 13 người không liên lạc được (11 quân nhân và 2 cán bộ dân sự). Đến nay, 13 trường hợp này đã hy sinh.
Theo quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai sẽ được xem xét, xác nhận là liệt sĩ.
DANH SÁCH 13 CÁN BỘ, CHIẾN SĨ HY SINH
1. Đại tá NGUYỄN HỮU HÙNG - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng
2. Thiếu tướng NGUYỄN VĂN MAN - Phó Tư lệnh Quân khu 4
3. Thượng tá BÙI PHI CÔNG - Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4
4. Thượng tá NGUYỄN TIẾN DŨNG - Phó Trưởng Phòng Tác chiến Quân khu 4
5. Đại tá HOÀNG MAI VUI - Phó Trưởng Phòng xe máy - Cục Kỹ thuật Quân khu 4
6. Thượng tá LÊ TẤT THẮNG - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
7. Thượng tá TRẦN MINH HẢI - Phó Tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế
8. Thiếu tá TÔN THẤT BẢO PHÚC - Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
9. Thiếu tá NGUYỄN CẢNH CƯỜNG - Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
10. Đại úy QNCN ĐINH VĂN TRUNG - Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
11. Đại úy QNCN TRƯƠNG ANH QUỐC - Nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
12. Ông NGUYỄN VĂN BÌNH - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền
13. Ông PHẠM VĂN HƯỚNG - Trưởng Phòng Thông tin – Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.