Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 4.697.933 ca nhiễm và 156.612 người chết, tăng lần lượt 71.293 và 1.625 ca so với một ngày trước đó. Trên toàn quốc, ít nhất 27 bang đã tạm dừng hoặc rút kế hoạch tái mở cửa, đồng thời áp đặt những hạn chế mới. Hơn 40 bang ra những yêu cầu liên quan đến khẩu trang.
Tại vùng dịch lớn thứ hai thế giới - Brazil, số ca tử vong đã tăng lên 92.475 sau khi ghi nhận thêm 1.098 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 48.696 trong 24 giờ qua, lên 2.662.485. Ngày 30/7, bà Michelle Bolsonaro, phu nhân Tổng thống Brazil Bolsonaro, được xác định nhiễm Covid-19, chỉ vài ngày sau khi chồng bà thông báo khỏi bệnh sau gần ba tuần cách ly.
Brazil mở lại đường bay quốc tế từ 30/7, du khách từ mọi quốc gia có thể đến Brazil, miễn là họ có bảo hiểm y tế trong suốt chuyến đi.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, vừa báo cáo thêm 57.430 ca nhiễm và 765 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.696.780 và 36.551, phần lớn ca nhiễm tập trung tại Mumbai và New Delhi. Ấn Độ đã vượt Italy, thành vùng dịch có số người chết cao thứ năm thế giới.
Ấn Độ ngày 31/7 đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay chở khách thương mại quốc tế đến hết ngày 31/8, trước tình hình gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trên cả nước.Quy định của Tổng cục hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) không áp dụng đối với các chuyến bay đặc biệt được phê duyệt bởi cơ quan chức năng và các chuyến bay chở hàng. Quyết định cấm bay thương mại hiện nay của Ấn Độ được áp dụng từ ngày 23/3 và có hiệu lực đến hết ngày 31/7, sau nhiều lần gia hạn.
Để từng bước cho phép hành khách đi lại trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ Ấn Độ đã ký các thỏa thuận thiết lập các hành lang di chuyển song phương với một số nước như Mỹ, Pháp và Đức.
Tình hình dịch bệnh tại Nga - vùng dịch lớn thứ tư thế giới dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần. Nga báo cáo thêm 161 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 13.963. Số ca nhiễm tăng thêm 5.482, lên 839.981.
Nga lên kế hoạch nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 1/8, nhưng danh sách điểm đến ban đầu chỉ bao gồm Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Vùng dịch lớn thứ năm thế giới là Nam Phi, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch tại châu Phi với 493.183 ca nhiễm và 8.005 ca tử vong, tăng lần lượt 11.014 và 193 ca. Giới chuyên gia lo ngại châu Phi sẽ là điểm nóng dịch bệnh tiếp theo, đồng thời bày tỏ lo ngại bởi hệ thống y tế yếu kém của các quốc gia tại đây, cũng như nguồn lực kinh tế hạn hẹp.
Nam Phi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới hồi tháng 3, bao gồm đóng cửa trường học, nhà máy, các cửa hàng không thiết yếu và cấm bán rượu, thuốc lá. Các hạn chế được dỡ bỏ hồi tháng 6, nhưng một số đã được khôi phục trong tháng này, như tái đóng cửa trường học và cấm bán rượu.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 108.376 ca nhiễm, tăng 2.040 trường hợp so với hôm trước, trong đó 5.131 người chết, tăng 73 ca. Vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực là Philippines ghi nhận 93.354 người nhiễm và 2.023 người chết, tăng lần lượt 4.063 và 73 trường hợp trong 24 giờ. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 52.205 người nhiễm, tăng 396 ca, trong đó 27 người chết.