Chủ đầu tư “tố” GPXD cấp sai tiêu chuẩn
Liên quan tới thông báo cưỡng chế phá dỡ tầng 17, 18 công trình sai phạm 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), ngày 3/2/2020, Chủ đầu tư - Công ty CP May Lê Trực đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị không cưỡng chế phá dỡ 2 tầng trên và không lắp dựng cẩu tháp. Theo nội dung kiến nghị, doanh nghiệp này cho rằng, công trình 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải cấp GPXD theo quy định.
Cũng trong văn bản kiến nghị, Công ty CP May Lê Trực dẫn chứng, công trình 8B Lê Trực thực hiện theo Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của UBND TP Hà Nội được phép xây dựng 20 tầng, chiều cao là 70m (17 tầng chính +2 tầng kỹ thuật + 1 tầng mái); Các tầng 17, 18, 19, 20 mà UBND quận Ba Đình, phường Điện Biên yêu cầu phá dỡ đều có trong Quy hoạch chi tiết.
Đáng chú ý, Công ty CP May Lê Trực lập luận, GPXD số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 cấp sai quy định pháp luật vì không đúng với Tiêu chuẩn xây dựng TCVN: 323/2004 (Mục 6.2.4.12) và cấp sai với Quy hoạch xây dựng chi tiết. Công trình cấp phép sai đã bị thiếu 2 tầng và chiều cao công trình cấp phép bị thiếu 16,1m.
Đơn cử, chiều cao tầng thương mại theo quy định của Nhà nước và Quy hoạch là 4,5m /tầng nhưng cấp phép chỉ có 2,6m /tầng; Các tầng Căn hộ theo quy định của Nhà nước và Quy hoạch là 3,3m /tầng; Chiều cao thông thủy các tầng từ mặt sàn đến mặt dưới của trần chỉ cao khoảng 2,09m…
Tính pháp lý về việc cấp GPXD, căn cứ xử phạt cũng được báo chí đặt câu hỏi tới Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến trao đổi tại buổi thông tin diễn biến việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) với báo chí diễn ra vừa qua.
Theo ông Chiến, pháp lý xử phạt vi phạm trật tự xây dựng của công trình 8B Lê Trực của UBND quận Ba Đình căn cứ theo GPXD số 11 do Sở Xây dựng cấp cho Công ty CP may Lê Trực. Theo đó, tầng 19 đã được xử lý xong, tầng 17 và 18 cũng được xác định có vi phạm trật tự xây dựng về vượt chiều cao và vượt diện tích sàn. Các sở ngành đã rà soát rất kỹ và báo cáo UBND TP và TP cho phép quận Ba Đình tiếp tục xử lý giai đoạn 2.
Tuy nhiên, cũng theo vị Chủ tịch UBND quận Ba Đình thừa nhận, trong quá trình xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, chủ đầu tư có một số ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm của UBND quận Ba Đình không đúng với Quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND TP trước đây. Tuy nhiên, quận khẳng định, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng phải căn cứ vào GPXD.
“Chúng tôi căn cứ vào đó để thực hiện xử lý theo đúng quy định và ban hành các biện pháp khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế, thông báo tiếp tục cưỡng chế”, ông Chiến nói.
GPXD sẽ bị thu hồi trong trường hợp cấp sai quy định
Trao đổi với báo Dân Việt, Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho hay, theo quy định tại Điều 101 Luật Xây dựng 2014, GPXD sẽ bị thu hồi trong trường hợp cấp sai quy định. Trong thời hạn 10 ngày mà chủ đầu tư không nộp lại bản chính GPXD đã cấp thì cơ quan cấp phép được quyền ra quyết định hủy bỏ GPXD cũ và thông báo cho chủ đầu tư. Không có thời hạn trong việc thu hồi, điều chỉnh các GPXD cấp sai. “Khi nào phát hiện GPXD đã cấp không đúng quy định thì GPXD sẽ bị thu hồi để điều chỉnh cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các bên. Còn trách nhiệm trong việc cấp sai thì ai sai phải chịu”, luật sư Tuấn Anh nói.
Trong việc cấp GPXD sai quy hoạch, tiêu chuẩn thì trách nhiệm là của cơ quan cấp phép. Doanh nghiệp, người dân chỉ là người xin, còn cho phép xây dựng bao nhiêu là do cơ quan nhà nước. “Nếu các cơ quan xác định GPXD cấp sai quy hoạch, sai tầng và nếu dẫn đến phải thu hồi GPXD và tháo dỡ thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”
Trở lại sai phạm tại 8B Lê Trực, luật sư Tuấn Anh cho rằng, trong trường hợp chủ đầu tư và người dân có kiến nghị về việc cấp GPXD của công trình này thì cơ quan chức năng cần phải rà soát và có câu trả lời thoả đáng trước. Bởi GPXD là văn bản hành chính mà UBND quận Ba Đình đang căn cứ để xử phạt vi phạm.
Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, theo quan điểm của tôi, cơ quan chức năng cần xem xét nhiều yếu tố mà công trình có thể tồn tại theo thực tế thì có thể điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh GPXD cho phù hợp.
“Còn nếu qua xem xét không thể điều chỉnh quy hoạch, công trình gây mất mỹ quan, mất an toàn, ảnh hưởng bộ mặt đô thị thì cơ quan nhà nước sẽ quyết định thu hồi GPXD đi kèm là xử lý công trình. Khi đó phải bồi thường cho người được cấp GPXD”, ông Tùng bày tỏ.
Liên quan đến việc cấp GPXD công trình 8B Lê Trực, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Đại biểu Cà Mau) từng đưa quan điểm, việc xem xét có phù hợp hay không phải căn cứ vào các quy định pháp luật, việc xây dựng dự án 8B Lê Trực nó không chỉ liên quan trực tiếp đến các quy định của pháp luật về xây dựng mà nó còn liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Ví dụ như bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ mục tiêu, tác động đến nhiều những yếu tố khác, những cái đó cần phải rà soát kỹ ở những văn bản pháp luật. Không thể đánh giá nó ở những cảm nhận, cảm tính được mà tất cả mọi thứ đều phải dựa trên cơ sở pháp luật.
Chia sẻ về việc hiện nay hàng trăm khách hàng mua nhà đang phải "chịu trận" từ việc chậm xử lý công trình, Đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ: Xử lý hậu quả do hành vi trái pháp luật thì phải xem xét từ nguyên nhân, gốc rễ, chủ đầu tư cho dù họ có đề xuất những phương án xây dựng như thế nào đi chăng nữa thì trách nhiệm kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong xây dựng và sự tác động của nó vẫn là những văn bản pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Trước hết đó là quận Ba Đình và UBND TP Hà Nội, khi xác định trách nhiệm rõ rồi thì dễ dàng nhận diện được các sai phạm liên quan và là cơ sở để xem xét bồi thường thiệt hại.
"Người dân chỉ biết được công trình đó đã được pháp luật quy định và được chính quyền giám sát nên họ yên tâm bỏ tiền ra mua, khi xảy ra hậu quả, để họ đứng ra gánh chịu là không được, ở đây sai đâu là phải xử đấy và ai sai thì người ấy phải có trách nhiệm bồi thường", ông Vân nói.