Hệ lụy là hàng chục cán bộ đang phải điêu đứng vì không lấy lại được tiền họ đã bỏ ra chi tiêu theo yêu cầu của lãnh đạo huyện.
Theo tài liệu mà Thanh Niên có được, việc nợ nần của Huyện ủy và UBND H.Yên Định chủ yếu diễn ra trong giai đoạn 2011 - 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Hiện cả ông Thắng và bà Hoa đều đã nghỉ hưu.
Cấp dưới bị vạ lây
Ngày 14.3, một nữ cán bộ đứng đầu một cơ quan thuộc UBND H.Yên Định (nay đã nghỉ hưu) cho biết trong giai đoạn làm việc, bà phải bỏ tiền của gia đình, và vay mượn khắp nơi để có tiền cho các hoạt động của đơn vị mình.
Không những thế, bà còn nhiều lần phải bỏ tiền ra để lãnh đạo UBND huyện đi tiếp khách, ăn uống, nghỉ ngơi. Tất cả những lần chi tiền đều có chứng từ liên quan và theo chỉ đạo của bà Ngô Thị Hoa, Chủ tịch UBND huyện, với số tiền lên tới hơn 4 tỉ đồng.
Toàn bộ số tiền này đều là tiền của cá nhân nữ cán bộ trên. Thế nhưng, suốt từ năm 2013 đến nay, dù nhiều lần đòi nợ UBND H.Yên Định, làm đơn gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa, Thanh tra Chính phủ, thậm chí làm cả đơn khởi kiện ra TAND H.Yên Định, TAND tỉnh Thanh Hóa, nhưng vị cán bộ này vẫn chưa được UBND H.Yên Định thanh toán đồng nào.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa - Thể tha, Phòng Thanh tra... cho đến người làm việc cho nhà ăn của UBND H.Yên Định cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Bất cứ khi nào, nếu Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu là những cán bộ trên lại phải mang tiền của gia đình mình, thậm chí vay ngân hàng để cho tập thể chi tiêu. Một số cán bộ đi vay tiền, hoặc đứng ra nhận nợ cho UBND H.Yên Định sau đó liên tục bị chủ nợ đến nhà đòi.
Những món nợ của Huyện ủy, UBND H.Yên Định chủ yếu như: nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện đều được chi theo kiểu này.
“Không nghĩ là lún sâu...”
Một cán bộ từng làm Chánh văn phòng UBND H.Yên Định trong giai đoạn này cũng đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng chi cho tập thể. Ông kể: “Hồi đó (giai đoạn 2011 - 2015), tiền chi cho hoạt động hành chính sự nghiệp cứ đầu năm là hết luôn. Chi linh tinh đủ các thứ. Anh em cấp dưới như chúng tôi cứ lãnh đạo nói là bỏ tiền của mình ra chi thôi, các bác hứa trả, nhưng ngày càng nợ chồng nợ chất, không trả nổi. Khi chi tiền thì các bác (lãnh đạo huyện) đều cho ý kiến đồng ý mới chi, cũng chả có giấy tờ gì cụ thể, vì không ai xác nhận là vay mượn tiền của anh em cán bộ để chi tiêu cho cơ quan cả. Đặc biệt là thời gian H.Yên Định xây dựng và đón nhận huyện nông thôn mới, khách khứa nhiều đoàn về thăm, ăn uống, ngủ nghỉ các thứ, nhiều khoản anh em bỏ tiền ra chịu nợ cho huyện. Lúc đó, cứ có việc, bí thư với chủ tịch huyện hô, thì anh em thực hiện. Không nghĩ là lún sâu đến như bây giờ”.
Vị cán bộ này còn cho biết thêm không chỉ những cán bộ có chức vụ trong các phòng ban của UBND huyện bỏ tiền ra rồi bị nợ, đến cả những nhân viên phục vụ chè nước, dọn vệ sinh cơ quan, hay làm ở nhà ăn của UBND huyện cũng rơi vào tình trạng tương tự.
“Có nhiều người làm nhân viên phục vụ, họ chẳng phải cán bộ công chức gì, nhưng cũng nợ họ đến từng đồng tiền chè, tiền giấy mực”, vị cán bộ từng làm Chánh văn phòng UBND H.Yên Định nói thêm.
Bị dọa “bắt nợ”
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo đương nhiệm của UBND H.Yên Định xác nhận, hiện cả Huyện ủy và UBND H.Yên Định đang nợ khoảng 50 tỉ đồng.
“Huyện nợ từ cán bộ trong cơ quan đến người ngoài cơ quan. Nợ từ tiền sửa xe, mua sắm bàn ghế, tổ chức tiếp khách, ăn uống. Anh em đi công tác tự bỏ tiền túi ra, có xác nhận của lãnh đạo huyện, nhưng đến nay đã nhiều năm huyện vẫn không thanh toán được cho anh em. Hiện, bên Huyện ủy nợ khoảng 28 - 29 tỉ đồng, còn bên UBND huyện là hơn 23 tỉ đồng”, vị lãnh đạo này nói.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết không những nợ chi tiêu, mà hiện huyện còn nợ cả tiền khen thưởng cho cá nhân, tập thể trên địa bàn vì đã lấy tiền thưởng để chi tiêu.
“Đáng lẽ tiền kèm theo bằng khen phải gửi cho xã, nhưng túng thiếu quá nên cũng lấy đi tiêu. Rất xấu hổ. Rồi lấy cả tiền bán đất để chi thường xuyên. Như vậy là rất sai rồi. Có những khoản nợ bên ngoài, tết người ta còn vào cả trụ sở đòi nợ, dọa bắt nợ. Mà nợ là nợ có hợp đồng hẳn hoi chứ không phải nợ mồm với nhau. Nhưng về luật bây giờ thì không cho phép, nếu có tiền cũng không thể trả được, vì tiền nợ nần này toàn bộ không được đưa vào sổ sách kế toán theo dõi”, vị lãnh đạo UBND H.Yên Định nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Ngọc Thưởng, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Định, xác nhận Huyện ủy có nợ, nhưng số tiền cụ thể tổng là bao nhiêu thì ông "không nắm rõ". Ông Thưởng cũng cho hay nhiều món nợ có hóa đơn, hợp đồng mua sắm, chứng từ chứng minh, nhưng nhiều món nợ giấy tờ không đầy đủ. “Nợ đúng là có. Nợ cá nhân, nợ tập thể, người trong người ngoài cơ quan. Mới đây, thấy có đơn từ, chúng tôi đang cho anh em rà soát lại”, ông Thưởng nói.
Yên Định là huyện thuộc vùng đồng bằng bán sơn địa, tiếp giáp với vùng trung du, miền núi của tỉnh Thanh Hóa (cách TP.Thanh Hóa khoảng 28 km). Tháng 5.2016, Thủ tướng ký quyết định công nhận H.Yên Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Theo số liệu công bố trên Cổng thông tin điện tử UBND H.Yên Định, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người là hơn 28 triệu đồng/người. Năm 2019, thu ngân sách địa phương được hơn 1.147 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,52%...