Cụ thể, vào khoảng 21h15' ngày 18/10, tàu Viet SunIntegrity (quốc tịch: Việt nam, chủ tàu là Công ty cổ phần Nhật Việt, số hiệu: XVPI9, chiều dài: 132,60m, trọng tải: 8.015) chở 285 container hành trình từ cảng VICT (TP. Hồ Chí Minh) đi cảng Hải Phòng. Vào lúc 23h45', khi tàu đến khu vực phao 32 luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, hoa tiêu dẫn tàu thông báo cho trung tâm quản lý hành hải luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (VTS) tàu bị sự cố máy, bị nghiêng 250, rớt 01 container bên mạn phải của tàu.
Đến khoảng 23h54', hoa tiêu thông báo cho Trung tâm VTS tàu nghiêng rất nhanh, khoảng 700, mất khả năng điều động, xoay ngang ra luồng hàng hải.
Tiếp đó, đến 01h50 phút, ngày 19/10, Hoa tiêu thông báo tàu bị chìm trên luồng ở khu vực phao 28 (thượng lưu mũi An Thạnh, huyện Cần giờ). Toàn bộ 17 thuyền viên đã rời tàu an toàn.
Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ chí Minh đã kịp thời thông báo cho các cơ quan liên quan như; Biên phòng cửa khẩu cảng TP. Hồ Chí Minh, Cảnh sát đường thủy - Công an TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, Chủ tàu, Doanh nghiệp cảng biển, Doanh nghiệp tàu lai, Doanh nghiệp đại lý... để phối hợp xử lý, đồng thời báo cáo lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Cục Hàng hải Việt Nam về vụ việc trên. Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ chí Minh.
Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ chí Minh đã cử cán bộ ra hiện trường, phối hợp với các cơ quan liên quan để cảnh giới và điều tiết lưu thông tại khu vực xảy ra tai nạn; Điều động phương tiện ra hiện trường để trực ứng phó sự cố tràn dầu (nếu có). Tại thời điểm này chưa phát hiện sự cố tràn dầu.
Ngay khi vụ việc xảy ra, rạng sáng 19/10, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh đã ra thông báo hạn chế các phương tiện lưu thông luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và phục vụ công tác khắc phục sự cố.
Cụ thể, khu vực hạn chế lưu thông hàng hải từ ngã ba sông Đồng Tranh - Lòng Tàu đến ngã tư sông Bốn Mặt. Thời gian từ 1h50 ngày 19/10 đến khi có thông báo mới.
Các tàu thuyền có hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu và ngược lại lưu thông theo tuyến luồng hàng hải Soài Rạp hoặc tuyến luồng hàng hải Đồng Tranh - Gò Gia hoặc tuyến luồng hàng hải sông Dừa.
Bên cạnh đó, các tàu thuyền phải tuân thủ hướng dẫn của lực lượng điều tiết tại hiện trường, thường xuyên liên lạc với Trung tâm VTS Sài Gòn - Vũng Tàu để được hướng dẫn điều động.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Dân Sinh, Hệ thống quản lý hành hải luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là hệ thống VTS) bao gồm 03 trạm Radar chuyên dụng đặt ở Núi Lớn - Vũng Tàu, Cần Giờ - quận 7 (TP. Hồ Chí Minh), 01 trạm AIS đặt ở Núi Lớn và 04 Camera đặt ở khu vực có mật độ lưu thông lớn nhất khu vực là từ Nhà Bè đến Cảng Sài gòn. Hệ thống chính thức đưa vào sử dụng trung tuần tháng 6/2012.
Theo thông tin từ Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, từ khi hệ thống VTS đi vào hoạt động bước đầu đã khẳng định tính hiệu quả của hệ thống VTS trong việc trợ giúp hành hải đối với tàu thuyền trong vùng phủ sóng của VTS. Đã nhận được những đánh giá tốt từ các cơ quan hữu quan như các Công ty Hoa tiêu, các chủ tàu, thuyền trưởng, sỹ quan và thuyền viên tàu khi hành hải trong khu vực VTS. Số vụ tai nạn từ khi hệ thống VTS chính thức vào hoạt động đã giảm đáng kể, một trong những nguyên nhân là đóng góp của hệ thống VTS trong việc cảnh báo, hướng dẫn hàng hải tàu thuyền trong khu vực VTS.