Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp gần hơn với người lao động

Sau mười năm triển khai, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Nghệ An đã dần đi vào cuộc sống, được cả người lao động và doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực.

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Được triển khai từ đầu năm 2009 đến nay, Bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc giúp người lao động tạm ổn định cuộc sống khi bị mất việc làm. Nhờ đó họ an tâm, chủ động tìm công việc mới phù hợp với khả năng của mình. Từ đầu năm đến nay, TTDVVL Nghệ An đã tiếp nhận gần 13.000 hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 13.17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó số người thất nghiệp ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN ở Nghệ An là: 7.129 người, chiếm 58,74%tăng 12,64% so với cùng kỳ năm 2018 (6.329 người).

Chính sách BHTN gần hơn với người lao động - Ảnh 1.

Người lao động đến TT nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc TT DVVL Nghệ An cho biết: "Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã luôn thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm theo đúng luật định, đồng thời bám sát theo các văn bản hướng dẫn để thực hiện chế độ cho người lao động đúng, đủ, kịp thời. Quá trình giải quyết chưa có trường hợp nào phản ánh hay có đơn thư khiếu nại về cách giải quyết chế độ chính sách của đơn vị".

Ông Tuấn chia sẻ thêm: "Có được kết quả trên là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động khi đến thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại đây. Đặc biệt là quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho những người lao động trong giai đoạn mất việc làm và tìm kiếm việc làm mới bị mất việc làm, đang đi tìm việc làm mới. Người lao động còn được tư vấn về tìm kiếm việc làm mới. Nhiều trường hợp sau khi được tư vấn về việc làm, đã quay lại thị trường lao động. Bên cạnh đó là tư vấn cho người lao động chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực và nhu cầu của bản thân khi tái hòa nhập thị trường lao động. Đối với những lao động thất nghiệp, được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, nhưng bản thân người lao động chưa có nhu cầu tìm việc mới thì đơn vị tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và giải quyết chế độ chi trả trợ cấp cho người lao động kịp thời, đúng theo quy định".

Ông Tuấn thông tin thêm: "Để giúp người lao động thuận tiện trong nộp hồ sơ hưởng chính sách BHTN, ngoài trụ sở chính tại TT, còn có ba văn phòng đại diện tại các huyện Diễn Châu, Thái Hoá, Anh Sơn, ngoài việc thực hiện chế độ BHTN cho người lao động, TT còn chú trọng đến công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động...".

Trong năm 2019, TT tiếp tục thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đăng ký trình Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ra quyết định, theo đúng trình tự thủ tục quy định; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Thông tin quảng cáo qua báo, đài, tờ rơi... về chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến doanh nghiệp và người lao động. Tham gia các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện chế độ BHTN cho người lao động. Có khoảng 15.500 người nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN, trong đó có 15.250 người có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, và 15.600 người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Chính sách BHTN gần hơn với người lao động - Ảnh 2.

Người lao động đến TT nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp

Dần đi vào cuộc sống

Trong những năm qua, Trung tâm luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTN trên các cơ quan thông tin đại chúng, dùng xe tuyên truyền lưu động qua loa phát thanh, treo băng zôn, pano, appich, phát tờ rơi đến các khu công nghiệp trong tỉnh, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn chính sách BHTN cho các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động nắm và hiểu rõ về chính sách BHTN.

Người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ văn hóa thấp, phần lớn làm việc tại các CTy có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN thuộc các ngành nghề yêu cầu tay nghề đơn giản như may mặc, dày da, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản…, số lao động đến đăng ký và nộp hồ sơ hưởng BHTN tăng so với cùng kỳ, nguyên nhân lao động nghỉ việc nhiều là do quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp, chuyển đổi cơ cấu, và do lao động đi làm ăn xa, giờ có nhu cầu tìm việc gần nhà.

Anh Võ Tiến Mạnh Xóm 18A, xã Nghi Liên, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: "Trước đây tôi làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất Tôn và Sắt thép, sau một thời gian làm việc tại Cty, bản thân tôi cảm thấy không phù hợp với công việc hiện tại, nên tôi đã xin nghỉ việc và đến TT làm thủ tục hưởng BHTN. Tại đây tôi được các cán bộ TT tư vấn nghề và hiện nay tôi đang được hỗ trợ học nghề Lái xe ô tô hạng C tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe PTS. Tôi cảm thấy nghề này phù hợp với tôi hơn".

Đến nay chính sách BHTN đã đi vào hoạt động ổn định, và đi vào cuộc sống, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHTN, TT DVVL Nghệ An luôn chủ động nghiên cứu, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về BHTN để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHTN. Triển khai tập huấn "Nâng cao năng lực thực hiện chính sách BHTN" cho cán bộ, viên chức và người lao động toàn trung tâm. Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho công tác chuyên môn.

Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết: "Với đặc thù, Nghệ An là tỉnh có số lượng lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp ở phía Nam: Đồng nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… tương đối nhiều. Những năm gần đây, số lao động này có xu hướng dịch chuyển về quê Nghệ An, các tỉnh Miền Trung và đến các tỉnh thành phía Bắc: TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng…để tìm việc làm. Bên cạnh đó, trên địa bàn vẫn còn một số ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, thu hẹp quy mô sản xuất, kéo theo việc cắt giảm lao động, lao động nghỉ để chờ việc nên số người thất nghiệp trên địa bàn có xu hướng gia tăng. Vì vậy số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN tăng lên rõ rệt".

"Tham gia BHTN, khi người lao động mất việc làm, toàn bộ chế độ cho người lao động được quỹ BHTN bảo đảm. Ngoài việc hưởng một khoản tiền trợ cấp, quan trọng hơn là các biện pháp hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng/hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới. Người thất nghiệp được hưởng BHYT. Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp người lao động đến trung tâm giao dịch việc làm, được tư vấn thông tin giới thiệu việc làm. Sau đó, họ đã quay trở lại thị trường lao động, không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp." – ông Vũ cho biết thêm.

Trong thời gian tới, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những quy định mới của chính sách BHTN theo Luật việc làm đến với người lao động, các doing nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động. Tiếp tục khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường lao động, các cơ sở đào tạo và ngành nghề đào tạo nhằm tư vấn, GTVL, nghề học cho người lao động thất nghiệp. Từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức và mạng lưới để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng BHTN trên địa bàn, nhất là những nơi xa trung tâm, những nơi có số lượng lao động lớn để người lao động bị thất nghiệp có thể được tiếp cận giải quyết hồ sơ hưởng BHTN một cách thuận lợi nhất. Phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh Nghệ An để triển khai tốt chính sách BHTN cho người lao động.