Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; lãnh đạo các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng...
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với tổng chiều dài khoảng 110km; Hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500) với tổng chiều dài khoảng 64km. Tổng mức đầu tư toàn Dự án 12.189 tỷ đồng.
Dự án được khởi công năm 2015 nhưng do các Nhà đầu tư yếu kém về năng lực quản trị và tài chính, không huy động được nguồn vốn đầu tư nên bị chậm tiến độ gần 02 năm. Đến tháng 6/2017, hợp phần 1 mới đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc. Người đứng đầu nhà đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Văn Dương (thuộc công ty UDIC) bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc nghìn tỉ. Dự án rơi vào đình trệ, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực vỡ nợ.
Đến tháng 6/2017, Bộ Giao thông vận tải quyết định đổi nhà đầu tư và giao cho Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thuộc tập đoàn Đèo Cả thi công, làm chủ đầu tư. Trong thời gian ngắn, các bên liên quan đã nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc về tài chính, ký kết hợp đồng tín dụng, xử lý nhà thầu năng lực yếu kém… đưa toàn bộ dự án triển khai đồng bộ.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn "cán đích" đã mở ra kỳ vọng mới về một cung đường hiện đại phục vụ dân sinh và đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội không chỉ riêng đối với Lạng Sơn, Bắc Giang. Cung đường cao tốc từ thủ đô Hà Nội đi Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng là tiền đề mở rộng cánh cửa giao thương giữa Việt Nam – các nước ASEAN, tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác an ninh, quốc phòng.
Sau hơn 2 năm xây dựng, dự án chính thức hoàn thành và tiến hành thông xe kỹ thuật. Trong đó, hợp phần Quốc lộ 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 33/2018 còn hợp phần cao tốc chính thức thông xe từ ngày 29/9, sớm hơn kế hoạch 3 tháng. Việc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành chỉ trong vòng hơn 2 năm có thể được coi là một 'kỳ tích' của ngành GTVT nói chung và Tập đoàn Đèo Cả nói riêng.
Được biết đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam thực hiện quản lý tiến độ thông qua thiết bị flycam và xe điều hành hiện đại. Tuy nhiên, việc còn cách 30km mới đến TP. Lạng Sơn sẽ là nút thắt giao thông trong thời gian tới và cần sớm được khắc phục. Ngoài ra, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hiện vẫn chưa thể triển khai tiếp do chưa xác định được nguồn vốn tham gia từ các bên liên quan.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dù vô vàn trở ngại, nhưng với sự quan tâm ủng hộ, đồng thuận của Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương dự án đi qua, con đường cao tốc đã hoàn thành trong thời gian sớm nhất, mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những nỗ lực của lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn trong công tác giải phóng giải phóng mặt bằng cũng như những nỗ lực của nhà thầu và đội ngũ lao động đã cố gắng để hoàn thành dự án sớm vượt kế hoạch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tuyến giao thông huyết mạch, là một trong 7 tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với thủ đô Hà Nội. Tuyến đường sẽ đảm bảo quốc phòng an ninh các địa phương trong vùng, giảm ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1 và thúc đẩy dịch vụ, phát triển sản xuất của các địa phương,
Phó Thủ tướng yêu cầu, cần khai thác con đường đạt hiệu quả cao nhất để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của hai địa phương; đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương và nhà thầu tiếp tục triển khai tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) để kết nối đồng bộ với tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn.