Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả thành phố (BCĐ 389) vừa ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Canh Tý 2020.
Nhiệm vụ trọng tâm của các lực lượng chức năng, sở ngành, UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia và UBND TP.HCM về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Điều tra xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; không trùng lắp nhưng cũng không bỏ kẽ hở, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa.
Các cơ quan cần kiểm soát chặt chẽ tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả.
Nhất là nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội (vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, tài liệu phản động, động vật hoang dã...) và nhóm mặt hàng thiết yếu (hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, thực phẩm, rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, nguy hiểm, xăng dầu, gas, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống...).
BCĐ 389 thành phố giao các giải pháp cụ thể và nhiệm vụ cho các lực lượng như Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố tăng cường tuần tra kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển, khu vực cửa khẩu cảng, nhất là các tuyến phao, nơi neo đậu bốc dỡ hàng hóa trên sông…
Đối với Cục Hải quan thành phố cảnh giác đấu tranh với hiện tượng lợi dụng hệ thống thông quan tự động để khai báo không đúng so với thực tế hàng hóa nhằm mục đích qua hệ thống phân luồng xanh. Không khai báo hoặc sai khai báo về tên hàng, số lượng trọng lượng, xuất xứ, mã số thuế. Lợi dụng lỗi hệ thống để giả mạo hồ sơ, chứng từ làm thủ tục hải quan…
Sở Công Thương TP.HCM xác định lượng hàng giao bình ổn và kiểm tra lượng hàng bán ra của các đơn vị theo chỉ tiêu kế hoạch đã giao. Kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc và đề xuất các biện pháp xử lý hoặc hỗ trợ đối với DN không cung ứng ra thị trường đủ lượng hàng bình ổn đã được giao.
Đồng thời nắm bắt thông tin lượng hàng về các chợ đầu mối, việc cung ứng hàng hóa đến các chợ đầu mối, chợ trên địa bàn thành phố, giá cả biến động tăng giảm đối với những nhóm hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng tại chợ trong những ngày giáp tết.
Xử lý nghiêm theo quy định trong hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu pha chế dung môi trên địa bàn thành phố.
Sở GTVT tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng các phương tiện tàu hỏa, ô tô, đặc biệt là ô tô chở khách từ các tỉnh biên giới về nội địa để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả vi phạm về kiểm dịch thú y. Kiểm soát chặt chẽ tuyến đường sắt Hà Nội-TP.HCM.
Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành thanh kiểm tra theo chức năng. Phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra kiểm dịch các loại trái cây, đồ uống, thực phẩm, gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống… bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Sở Tài chính phối hợp kiểm tra bán đúng giá niêm yết, đúng khung giá, mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và kiểm tra việc chấp hành giá các dịch vụ tại chợ đầu mối, chợ lẻ, bến xe, khu vui chơi giải trí, điểm bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm trông giữ xe…
UBND các quận, huyện chỉ đạo công an phường, xã, thị trấn rà soát nắm chắc tình trạng chứa trữ, trung chuyển hàng hóa nhập lậu và hàng giả. Phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế, Đội QLTT quận huyện kiểm tra, kiểm soát ngay khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm…