WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 4,9% năm nay
WB dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 4,9% trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy thế, vẫn thuộc mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Tới hết tháng 3, tăng trưởng các ngành sản xuất của của Việt Nam đạt 6%, cho thấy khả năng chống chịu tốt. Tăng trưởng tín dụng cao gấp 3 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Đại diện WB nhấn mạnh, nền kinh tế tại thời điểm này vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng: "Phản ứng y tế của chính phủ Việt Nam rất phù hợp và kịp thời, không chỉ WB mà các nhà quan sát quốc tế đánh giá cao. Các chính sách kinh tế như giãn, hoãn thuế, hoãn nợ, một số dòng tín dụng, miễn bảo hiểm xã hội đều rất xác đáng".
"Chúng tôi đánh giá cao công tác quản lý ngân sách của Việt Nam, đặc biệt, khoản ngân sách dự phòng 5%, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng một khoản ngân sách dự phòng như vậy", vị chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nhấn mạnh thêm.
Hết quý I, giải ngân đầu tư công của Việt Nam mới chỉ đạt 13% kế hoạch, dù cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là mức thấp. Đại diện WB nhấn mạnh tầm quan trọng của giải ngân đầu tư công và vốn ODA như nguồn vốn mồi thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
"Đối với các danh mục dự án đầu tư gắn với nguồn vốn từ WB, chúng tôi cũng sẵn sàng hủy một phần hoặc toàn bộ dự án không triển khai được để dành vốn cho những dự án hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị danh mục các dự án tương lai khả thi" - Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết thêm.
Đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm, thu nhập
Ông Jacques Morisset cho biết, WB đang làm việc với Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Giải pháp bao gồm 4 trụ cột: Đầu tiên là giải quyết cho khu vực bị ảnh hưởng trước mắt, bao gồm cả DN cũng như người dân. WB cũng đang cùng với Chính phủ tìm ra giải pháp đảm bảo xã hội, đặc biệt cho những người nghèo, khu vực kinh tế phi chính thức.
Giải pháp thứ hai là khi thoát ra khỏi khủng hoảng của dịch bệnh, Chính phủ cần có những gói kích thích để tái kích hoạt, khởi động lại nền kinh tế. Ví dụ như cần đẩy nhanh triển khai giải ngân các dự án đầu tư công. Đặc biệt phải có sự kích thích nhu cầu đầu tư của tư nhân, ví dụ như trong ngành dịch vụ.
Trụ cột thứ 3 là đẩy mạnh kinh tế số. Dịch bệnh là cơ hội để Chính phủ cũng và nền kinh tế có thể số hóa bằng cách phát triển các dịch vụ như học tập trực tuyến, thanh toán, tiết kiệm trực tiếp. Để thực hiện được, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình Chính phủ điện tử, làm sao để những thủ tục hành chính phải nhanh gọn, thuận tiện.
Trụ cột thứ 4 là cần phải chuẩn bị tốt hơn cho tương lai, đảm bảo sức chống chịu của nền kinh tế. Dịch bệnh hoàn toàn có thể tái diễn nên cần phải có khả năng chống chịu, sẵn sàng chuẩn bị cho nó.
Bổ sung thêm ý kiến, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB Việt Nam cho rằng, về nghị trình chính sách hậu Covid, Việt Nam cần làm sao nâng cao sức chống chịu của hệ thống y tế. Dịch bệnh này là lớn và có thể không chỉ diễn ra một lần.
Do đó, cần có hệ thống y tế chủ động, mạnh mẽ để làm sao có thể kích hoạt được ngay khi dịch bệnh tấn công một lần nữa. Ông Ousmane cũng cho biết, trong thời điểm khó khăn này, WB đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để hỗ trợ những nỗ lực chống chọi với đại dịch, giảm được những tác động có hại của nó đến nền kinh tế, đặc biệt là chuẩn bị cho quốc gia tốt hơn để khôi phục mạnh mẽ hơn thời kỳ hậu dịch bệnh.
Một trong những hỗ trợ của WB là hỗ trợ Chính phủ đẩy mạnh triển khai giải ngân các dự án hiện hành của Việt Nam, làm sao để triển khai và thực hiện nhanh hơn để tạo việc làm, thu nhập. Đồng thời, giúp Việt Nam chuẩn bị danh mục dự án tốt cho các dự án đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế trong trung hạn.
WB cũng đã chuẩn bị cơ chế hỗ trợ tài chính theo thủ tục nhanh để chống chọi với đại dịch Covid-19 thông qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, gói hỗ trợ ngay lập tức của nhóm ngân hàng thế giới (WBG) cho toàn thế giới hiện nay là 14 tỷ USD, trong đó Việt Nam có thể tiếp cận 50 triệu USD, giải ngân có thể thực hiện trong vòng 2 tuần.
Giai đoạn 2, WB có thể hỗ trợ khoản tài chính 150 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế thế giới. Gói này có thể hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ Việt Nam 500 triệu USD.