Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi khen Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tinh thần đổi mới"

(Dân sinh) - "Tôi cơ bản đồng tình với những kết quả đã đạt được trong năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ của năm 2020 như báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tôi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu, để đạt được kết quả như vậy"-Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi khen Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tinh thần đổi mới" - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020

Sáng ngày 25/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 63 điểm cầu trên cả nước.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi khen Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tinh thần đổi mới" - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2019, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, bộ đã ban hành chương trình công tác với 16 chỉ tiêu cụ thể và 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể. Với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%; hoàn thành 100% đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi khen Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tinh thần đổi mới" - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trên cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. "Hôm nay, chỉ còn đúng một tuần nữa là kết thúc năm 2019 với nhiều kết quả tích cực, nhân dân cả nước đang trong không khí phấn khởi chuẩn bị đón chào năm mới 2020 – là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được gặp lại đông đảo các đồng chí đồng nghiệp"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mở đầu bài phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi khen Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tinh thần đổi mới" - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội: "Tôi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu"

 Điểm lại những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội năm 2019, trong đó có đóng góp quan trọng của toàn ngành lao động, thương binh và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng năm 2019, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và những tác động không thuận khác gây ra đối với tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của nước ta, nhưng đất nước ta tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện; đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội mà Quốc hội ra Nghị quyết giao Chính phủ. Tình hình an ninh, trật tự xã hội được giữ vững và ổn định, quan hệ đối ngoại, quá trình hội nhập quốc tế đạt được nhiều tiến bộ và kết quả rất tốt … Những kết quả đã đạt được khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, đồng thời là kết quả của sự nỗ lực, đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân cả nước đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, tạo đà cho sự phát triển các năm tiếp theo; Trên kết quả đó tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi khen Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tinh thần đổi mới" - Ảnh 5.

Chủ tịch Quốc hội: "Tôi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu"

Trong thành tựu chung đó có đóng góp quan trọng của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Ngành đã nghiêm túc triển khai các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mà trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kiên trì thực hiện các mục tiêu đề ra trên tất cả các lĩnh vực được giao, triển khai tương đối đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa hướng đến các mục tiêu trong trung và dài hạn. 

"Tôi cơ bản đồng tình với những kết quả đã đạt được trong năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ của năm 2020 như báo cáo đã trình bày và cũng như một số ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Tôi khen Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có cách tổng kết rất hay. Có một tập sách hình ảnh minh họa và lời chú thích để ghi lại những điểm nổi bật nhất của ngành LĐ-TB&XH năm 2019 cùng clip. Đó là những báo cáo sinh động nhất cùng với báo cáo đã được gửi đến các đại biểu. Thay vì nghe báo cáo rất dài, khó nhớ thì đại biểu xem 1 tập phim và 1 tập sách. Dần dần chúng ta thay đổi cách tổng kết báo cáo, dễ nhớ và sinh động"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi khen Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tinh thần đổi mới" - Ảnh 6.

Lãnh đạo các đơn vị của Bộ tham dự Hội nghị

Cơ bản thống nhất với báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung mang dấu ấn của ngành trong năm 2019.

 Thứ nhất, Ngành đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá. Đó là xây dựng thể chế. Năm nay đặc biệt chú trọng là Bộ luật Lao động rất công phu đã được Quốc hội thông qua. "Trong khi, quá trình thảo luận phản biện rất gay gắt ở hội trường cũng như tại tổ nhưng đã được thông qua với tỷ lệ cao ở Quốc hội. Đây là dấu ấn lịch sử"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ. 

Tôi rất cảm động khi biết, tại một số địa phương có những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều, từ những tỉnh khó khăn như Điện Biên, đến những tỉnh rộng lớn đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum... đã có những lá đơn xin thoát nghèo. Thậm chí những lá đơn đó của những ông bà rất già nhưng viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để dành chính sách đó cho những người nghèo hơn. Những tấm gương này rất tốt, điều đó thể hiện những hiệu quả của chính sách giảm nghèo. Nhưng quan trọng hơn, đó là việc người dân đã dần từ bỏ dần tư tưởng trông chờ vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chúng ta đã tạo niềm tin, khát vọng muốn xóa nghèo của người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Thứ hai là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động. Và  2 ưu tiên là giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tôi cũng tham gia những hoạt động này vì đây là vấn đề bức xúc trong xã hội. Có những người hy sinh 70 năm rồi giờ mới được công nhận là liệt sĩ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến nay, hồ sơ không còn nhiều nữa.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Đồng chí Huỳnh Văn Tý sau khi thôi làm Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm chuyên gia giúp Bộ trưởng rất hiệu quả. Chính sách người có công chúng ta phải làm trách nhiệm và rất hiệu quả. Khi tôi làm Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đứng chất vấn trước Quốc hội 12 tôi nhận trách nhiệm và xin hứa đối với những người có công vối cách mạng, chúng ta phải làm hết trách nhiệm. Có những người dân nhận bằng tổ quốc ghi công của cha, của ông mà nước mắt rơi đầm đìa.

Tiếp tục chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Bộ luật Lao động (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành rất cao. Riêng công ước 98 Chủ tịch nước trình thì 100% đại biểu tán thành. Chúng ta còn 2 Công ước là 105 và 87. Trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này, chúng ta đã đưa tinh thần và tiêu chuẩn, nguyên tắc đó đã được đưa vào đây. Khi tham gia đàm phán các Hiệp định FTA thế hệ mới, bao giờ vấn đề lao động, công đoàn cũng được nhắc tới. Đây là những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế. Khi thông qua Bộ luật Lao động, tôi tiếp Chủ tịch Ủy ban quốc tế của Nghị viện Châu Âu đánh giá. Đồng thời, các văn bản này thông qua sẽ có hiệu lực sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn lao động, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định trong bối cảnh mới, khi chúng ta cam kết và thực thi các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA).

Một lĩnh vực quan trọng trong công tác an sinh xã hội là tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo. Ngành quan tâm chỉ đạo và bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân. Các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống. Tiêu chuẩn nghèo không chỉ tiếp cận tiêu chí thu nhập mà được mở rộng tiếp đa chiều, bên cạnh nhu cầu vật chất còn có nhu cầu về tinh thần.

Lãnh đạo các đơn vị của Bộ tham dự Hội nghị

Nhấn mạnh trong công tác giảm nghèo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong các lĩnh vực ngành phụ trách. "Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm đã hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trước 1 năm. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân, các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống. Công tác giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng luôn được đặc biệt quan tâm, đã xem xét xác nhận cho hàng nghìn trường hợp thương binh, liệt sĩ; theo báo cáo của bộ, đã có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng…"- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Tôi đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo Bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu, để đạt được kết quả như vậy,

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trưởng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi khen Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tinh thần đổi mới" - Ảnh 9.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp hình lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với người có công. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới, trong đó đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Lãnh đạo Bộ và ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế”.