Trong đó, đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu chủ phương tiện không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Luật cũng quy định, khi cho cá nhân, tổ chức thuê phương tiện (theo hợp đồng thuê phương tiện) với thời gian thuê từ 1 ngày trở lên, chủ phương tiện phải thông báo với cơ quan Công an (Cục Cảnh sát giao thông) qua cổng thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông.
Bên cạnh chủ phương tiện, Bộ Công an cũng đề xuất quy định về trách nhiệm pháp lý của người tham gia giao thông.
Trong đó, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về TTATGT, có trách nhiệm giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Người tham gia giao thông có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ và có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao là hành vi chống người thi hành công vụ và bị xử lý theo quy định của pháp luật.