Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Chùa Long Cảm - Điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo

(Dân sinh) - Chùa Long Cảm nằm ở núi Ốc Sơn thôn Trang Các, xã Hà Phong (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) được xây dựng vào thời Lý Thái Tổ. Núi Ốc Sơn đã gắn liền với công cuộc chinh phục phương Nam thắng lợi, về tới kinh đô. Truy nhớ lại sự tích trên và để trả ơn vị thần linh giúp sức, vua Lý Thái Tổ đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa lấy tên Long Cảm.

Theo sổ sách ghi lại, sau sự kiện năm Thuận Thiên thứ 11 (năm 1020) khi nhà vua đem quân đi chinh phục đất phương Nam. Sử cũ cho biết: Trên đường đi chinh phục đất phương Nam, vua Lý Thái Tổ đã cùng đoàn quân của mình đóng quân trên núi Ốc Sơn. Đêm đến nhà vua nằm mộng thấy vị thần linh ở núi hiện đến và hứa sẽ trợ lực cho nhà vua trong cuộc tiến quân này. Công cuộc chinh phục phương Nam thắng lợi, về tới kinh đô, truy nhớ lại sự tích trên và để trả ơn vị thần linh giúp sức, vua Lý Thái Tổ đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa lấy tên Long Cảm. (Long là Rồng, nhà vua cảm tạ ơn).

Vốn là một vùng đất sầm uất, có phong cảnh đẹp và là một "đô thị" sớm của xứ Thanh, vùng đất Trang Các cũng gắn liền với nhiều hoạt động tôn giáo sôi nổi. Vào năm Tự Đức – Mậu Dần (năm 1878), Hòa Thượng Minh Nguyệt cùng dân trong huyện Tống Sơn xây dựng thêm điện Long Chương trên núi Ốc Sơn. Tương truyền, đây là nơi công chúa Thủy Tinh thường xuống hạ giới giúp đỡ dân lành.

Chùa Long Cảm - Điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo - Ảnh 1.

Cặp khánh đá cổ Chùa Long Cảm

Trải qua gần 10 thế kỷ tồn tại, kiến trúc chùa Long Cảm đã bị thay đổi qua nhiều lần tôn tạo, tu sửa. Dấu tích thời Lý chỉ còn lại 4 cột đá ở hiên chùa chính. Còn lại từ thượng Pháp đến  kiến trúc chùa, bia ký, chuông đồng, khánh đá… đều mang dấu tích thời Lê – Nguyễn.

Chùa được xây dựng trên sườn núi Ốc Sơn và cấu trúc thành một thể liên hoàn: Cửa Tam Quan – Sân chùa – chùa chính – nhà thờ mẫu – nhà tổ, tiếp đó là nhà khách và nơi ở của nhà sư trụ trì. Từ sân nhìn xuống về phía đông ở khu đất thấp hơn là khu Xá Lỵ (cách khuôn viên chùa chính khoảng 15m).

Chùa chính (còn gọi là Tiền đường hay Bái đường) gồm 3 gian, có kết cấu vì kèo gỗ theo kiểu "chồng rường, giá chiêng" với 4 hàng chân cột, hai cột lớn và hai cột quân. Phía trên là câu đầu. Trên câu đầu là hai cột trốn. Ở trên hai cột trốn này là một con rường dài nằm trên hai đầu cột trốn, tiếp đó là một con rường nữa nằm trên hai đấu bát. Trên cùng là một đấu vuông đỡ thượng lương.

Ở đây, lại có thêm một kiến trúc phụ được tạo ra bằng một xà ngang chạy từ hàng chân cột thứ 4 (từ trong ra phía trước) ăn mộng vào cột thứ 5. Ở trên xà ngang này là một vì kèo nhỏ tạo thành góc mái. Vì thế mà trong kết cấu kiến trúc ở chùa chính này có 2 vì kèo nằm trên cùng một tuyến ngang (2 lớp vì kèo). Đây là dụng ý của người đời sau đưa vào với mục đích làm cho lòng công trình được mở rộng thêm.

Về trang trí trên các vì kèo, là những mảng chạm khắc hình các con giống như rồng, ngựa, hươu…được tạo tác từ bên ngoài được gắn vào những bức cốn mê.

Về bài trí tượng pháp: ở phật điện được thờ các loại tượng phật, tượng hộ pháp, treo chuông, một số câu đối và đại tự.

Hai pho tượng hộ pháp được dặt ở hai bên. Về hình dáng tượng được tạo hình người vũ sĩ mặc áo giáp , tay cầm khí giới , đầu đội mũ trụ, ngồi trên lưng sấu. Kích thước tượng lớn: cao 1,35m, đường kính 0,42m. Phía góc trái của chùa có một số bia chùa loại nhỏ và một số bệ thờ của những người gửi quả phúc.

Chùa Long Cảm - Điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo - Ảnh 3.

Chùa Long Cảm được trùng tu lại khang trang

Ở gian giữa của phật điện được bài trí tượng pháp của phật điện gồm 29 pho tượng phật với 5 lớp bàn thờ từ trên xuống thấp dần. Lớp bàn thờ ngoài cùng (thấp nhất) là hương án. Liền kề sát với hương án là nơi nhà sư ngồi tụng kinh, niệm phật.

Ngoài các lớp tượng kể trên, chùa chính cũng là nơi tập trung những tác phẩm điêu khắc mang ý nghĩa trang trí làm tăng thêm sự lộng lẫy trang nghiêm của điện thờ đó là các bác cửa võng, các mảng chạm khắc trên các bức cốn mê và đại tự được thể hiện tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc đầu thời Nguyễn ở Thanh Hóa.

Qua kiến trúc và tượng pháp ở chùa Long Cảm, cho biết đây là một công trình thờ phật quy mô. Số lượng tượng pháp, đại tự, câu đối bia ký và dấu ấn kiến trúc cổ còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, trong đó những pho tượng phật là những tài sản vô giá giúp chúng ta tìm hiểu những chặng đường phát triển của hệ thống tượng pháp qua các thời kỳ. Lịch sử ra đời và tồn tại của chùa Long Cảm, góp thêm một ngôi chùa có niên đại thời Lý trên đất xứ Thanh.  

Ngôi chùa còn có cây muỗm (xoài) trên 1.000 năm tuổi, cây to 2 người ôm không hết, tán lá xum xuê, tỏa bóng mát rượi sân chùa. Xung quanh thân cây, từ gốc lên tới ngọn được quấn quanh bởi chi chít cây tầm gửi. Sư cô Thích Đàm Tâm cho biết, lạ là mưa to, gió lớn, bão bùng cũng không quật ngã, làm gãy đổ được cây. Bên cạnh đó là cây ngâu tuổi đời cũng đã 500 năm tuổi. Mùa hoa ngâu, mùi hương ngâu hòa quyện với mùi trầm lan tỏa khắp không gian trầm mặc, tôn nghiêm của chùa sẽ là điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo xho du khách gần xa.