Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Chuẩn bị lao động có kỹ năng để đón làn sóng FDI

(Dân sinh) - Với làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, cơ cấu ngành lao động sẽ có sự thay đổi. Thị trường lao động thời gian tới vì thế sẽ đòi hỏi nhân lực có trình độ trung bình trở lên thay vì các ngành thâm dụng lao động như hiện nay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng thu hút vốn FDI ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Những dự án FDI, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết cũng sẽ tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Đào Ngọc Dung, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện đang đứng trước ba xu thế vĩ mô hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến khó lường trong dòng vốn FDI, cơ cấu kinh tế - xã hội và thị trường lao động trong nước. Thứ nhất là sự chuyển dịch sâu rộng cơ cấu kinh tế do tác động của CMCN 4.0. Thứ hai là việc tái định vị dòng chảy hàng hoá, dịch vụ quốc tế do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thứ ba là sự tăng tốc trong chiến lược đa phương hoá đối tác và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia dưới ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid.  "Những xu thế vĩ mô này đã và đang làm nổi bật một số xu hướng rõ rệt đối với dòng chảy và chính sách thu hút vốn FDI trên toàn thế giới và thay đổi căn bản thị trường lao động thế giới, trong đó có Việt Nam", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.   

Có thể thấy, sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh nhờ các dự án FDI mới.

Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày, song hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng liên tục trong những năm gần đây.

Năng suất lao động cũng có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao gấp 3-5 lần năng suất lao động  chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.

Cơ cấu việc làm đang có xu hướng dịch chuyển từ các lĩnh vực thâm dụng lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ. Việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn.

Chuẩn bị  lao động có kỹ năng để đón làn sóng FDI - Ảnh 1.

Với nhiều Hiệp định thương mại được ký kết, nhiều dự án FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam trong thời gian tới

Trong bối cảnh đó,  người lao động, nhất là những lao động đã có tuổi, chưa qua đào tạo, ít kỹ năng, tay nghề yếu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo và đào tạo lại để thích ứng với các ngành nghề mới. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần lớn người lao động ở Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất việc, thất nghiệp và bị bỏ rơi trong xu thế dịch chuyển hiện nay.

Trong năm 2021, các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng tập trung vào các nhân sự chất lượng cao với các công nghệ cập nhật nhất nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Để đón đầu các xu hướng đầu tư nước ngoài mới và để người lao động Việt Nam được thụ hưởng lợi ích trong một nền kinh tế bền vững,  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo xu hướng chuyển dịch trong lao động – việc làm, nhu cầu lao động trong nước và quốc tế để thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời, sẽ khảo sát, đánh giá sát sao hơn nữa thị trường lao động ở các địa phương trọng điểm, có các phương án chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng lao động để đón nhận các dự án mới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban ngành liên quan đánh giá, xác định được nhu cầu kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đúng và đủ nhu cầu các ngành nghề mới.