Tham gia Hội thảo là các chuyên gia của Bộ Thông tin – Truyền thông; thành viên Tổ xây dựng Đề án chuyển đổi số, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp, Đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động; Các nhà quản lý, Hiệu trưởng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một xu thế lớn hội tụ nhiều công nghệ số hóa đột phá như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa – vật lý – sinh học, giữa thế giới thực và không gian số để tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để giáo dục nghề nghiệp có thể chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
"Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH ngày 11/8/2020 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Theo đó giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số và phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động" – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN thông tin.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo các góc độ:
Thứ nhất, tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong của các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn.
Thứ hai, tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp: thay đổi cách quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cách dạy của giáo viên, cách học của học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ môi trường truyền thống lên môi trường số.
Thứ ba, bản thân quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Do đó, Tổng cục GDNN xác định chuyển đổi số trong GDNN phải làm thần tốc, nhưng chắc chắn, có tính hệ thống và kế thừa.
Theo dự thảo khung đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp như một quốc gia thu nhỏ, toàn bộ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo viên, học viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đến năm 2030, hoạt động giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ các nước Asean – 4.
Cụ thể, đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Khoảng 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn. Đặc biệt, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến.
Để đạt được mục tiêu này, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, giáo dục nghề nghiệp phải xây dựng được hệ thống dữ liệu lớn toàn ngành, tạo được các nền tảng công nghệ, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và đặc biệt phải chuẩn bị nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.Đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục phải "thần tốc" nhưng chắc chắn và bền vững. Xây dựng được những nền tảng chắc chắn trên một hệ thống điều hành chung.Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Bình cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phải gắn liền với doanh nghiệp. "Doanh nghiệp chính là đối tượng sử dụng lao động. Do vậy, trong quá trình chuyển đổi số, chính doanh nghiệp sẽ đưa ra yêu cầu từ công nghệ, kỹ năng đến chất lượng nguồn nhân lực" – TS. Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.
Dự kiến, ngành Giáo dục nghề nghiệp sẽ hợp tác, đào tạo 30 chuyên gia giỏi về chuyển đổi số gồm các tiêu chuẩn về CNTT giáo dục nghề nghiệp, các công nghệ số về dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo... làm nòng cốt trong chuyển đổi số.
Hội thảo là tiền đề để hoàn thiện khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, từ đó xây dựng đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp để trình chính phủ ban hành trong năm 2021.