Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi Nhật Bản được thực hiện dựa theo Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Việt được ký kết ngày 15/12/2008.
Hiện nay, Nhật Bản đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý làm việc tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão do tốc độ già hóa dân số nhanh và thiếu hụt lớn nhân sự tại ngành nghề này. Dự báo nhu cầu từ nay đến năm 2020 khoảng gần 400.000 vị trí.
Việt Nam là nước thứ 3 sau Indonesia và Philippine có thỏa thuận đưa điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Các ứng viên Việt Nam muốn sang Nhật Bản làm việc phải hoàn thành khóa đào tạo 12 tháng tại Việt Nam và thi đỗ chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N3 trở lên trước khi được tham gia tuyển chọn.
Các ứng viên tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật 12 tháng tại Việt Nam được đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở, học tập và được cấp tiền sinh hoạt.
Thời gian lưu trú tại Nhật Bản là 3 năm cho các ứng viên điều dưỡng và 4 năm cho ứng viên hộ lý. Trong thời gian này, các ứng viên điều dưỡng được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Điều dưỡng mỗi năm 1 lần, các ứng viên hộ lý được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Hộ lý 1 lần vào năm thứ tư. Nếu thi đỗ, các ứng viên được phép ở lại làm việc vô thời hạn, được hưởng lương và các chế độ như điều dưỡng, hộ lý người Nhật Bản.
Mức lương đối với ứng viên điều dưỡng từ 130 – 140 nghìn yên/tháng; ứng viên hộ lý từ 140 – 150 nghìn yên/tháng; cùng các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Cũng theo ông Liêm, trong 7 năm triển khai, chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản đã tuyển chọn được 1.440 ứng viên đưa vào đào tạo tiếng Nhật, trong đó có 1.109 ứng viên của 6 khóa đầu tiên đủ điều kiện đã được đưa sang Nhật Bản học tập và làm việc. Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được đánh giá cao về khả năng ngoại ngữ cũng như tinh thần làm việc tại các các cơ sở tiếp nhận.
Bên cạnh đó, các ứng viên Việt Nam có tỷ lệ thi đậu Chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản hàng năm luôn rất cao. Đến thời điểm hiện tại, đã có 48/69 ứng viên điều dưỡng; 89/95 ứng viên hộ lý thi đỗ chứng chỉ quốc gia.
Tại Hội thảo, hầu hết sinh viên đến từ Trường Đại học Y dược Huế và Cao đẳng Y tế Huế đều quan tâm đến các điều kiện để được tham gia chương trình cũng như cơ hội phát triển bản thân sau khi sang Nhật làm việc.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, để thích nghi và thành công trong công việc, các ứng viên ngoài học tập, trau dồi về chuyên môn thì cũng phải học thêm các kỹ năng mềm khác.