Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, và cũng tạo cú huých cho doanh nghiệp

(Dân sinh) - Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Tiêu dùng Việt Nam vừa diễn ra. Theo ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Napas cho biết, Covid-19 gây ra khó khăn cho mọi miền kinh tế, đối với Việt Nam bên cạnh thách thức thì đây cũng có thể xem là cơ hội.

Xu hướng ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt

Cụ thể, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Napas cho biết, Covid-19 gây ra khó khăn cho mọi miền kinh tế, đối với Việt Nam bên cạnh thách thức thì đây cũng có thể xem là cơ hội. Trong lĩnh vực thanh toán, Napas đã nhìn thấy xu hướng ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank cho biết, trong thời gian dịch bệnh hoành hành, lượng đăng ký Internet banking của ngân hàng này cũng đã tăng vượt bậc, việc này đã giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian cũng như đảm bảo được an toàn sức khỏe khi thanh toán trực tuyến.

Đồng thời, ngân hàng có thể phát triển dịch vụ thanh toán tiện lợi cho khách hàng cá nhân như nghiên cứu việc thanh toán sử dụng khuôn mặt, khách hàng không cần thẻ có thể dùng khuôn mặt và một vài yếu tố xác thực khác để hoàn tất giao dịch thanh toán.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam cho biết, nắm bắt giai đoạn Covid-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn, Lazada đã tăng cường đầu tư để DN mở gian hàng nhanh chóng, hiệu quả, hỗ trợ giao hàng miễn phí cho các nhà bán hàng hai tuần đầu tiên trên Lazada…

“Lượng DN mở gian hàng mới trên Lazada trong 3 tháng đầu năm 2020 là 45.000 DN, 5 tháng là hơn 110.000 DN vừa và nhỏ. Chất lượng bán hàng của các DN cũng tăng trưởng vượt bậc. Các DN vừa và nhỏ không nghĩ qua thương mại điện tử có thể duy trì doanh thu, thậm chí doanh thu trong một ngày tăng rất nhiều lần so với doanh thu của vài tháng” - bà Hằng chia sẻ.

Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho hay: "Trong thách thức luôn có cơ hội lớn, là sự may mắn cho mỗi ngành nghề kinh doanh, nếu như trước đây các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khó có cơ hội tăng trưởng nhanh thì bây giờ chúng tôi đã đón được cơ hội này.

Chuyển đổi số: “Dịch chuyển” niềm tin của người tiêu dùng

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong 7 tháng đầu năm nay có tới 8.102 doanh nghiệp bán buôn - bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ.

Ở một góc độ khác, dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những DN có nội lực nhất định mới có thể vượt qua. Hầu hết các DN đều cho biết đây là giai đoạn xuất hiện những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội “lửa thử vàng”, chính những thách thức của thị trường sẽ tạo nên sức bật cho DN và sản phẩm, dịch vụ của DN.

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cho biết, cả thế giới và Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 dù Việt Nam kiểm soát tốt, tuy nhiên diễn biến của dịch bệnh vẫn khó lường.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng dương, song lại phụ thuộc đáng kể vào chuỗi thương mại toàn cầu, trong khi sức chống chịu của DN còn nhiều hạn chế. Do đó, đòi hỏi các DN phải nỗ lực, gắn kết, hợp tác chia sẻ để vượt qua khó khăn.

“Chúng ta cũng đang chứng kiến sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, hứa hẹn sẽ mạng lại chuyển biến sâu rộng. Quá trình chuyển đổi số sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, kiểm soát rủi ro, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn nhanh chóng hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Còn bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Nielsen miền Bắc cho biết, theo nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng của khách hàng cho thấy, hiện nay khách hàng có ba mối quan tâm chính, đó là sức khỏe, tiêu dùng tại nhà và thói quen mua sắm online.

“65% người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó tại Việt Nam 62% người tiêu dùng nói rằng sẽ ăn uống nhiều hơn tại nhà sau đại dịch. Khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng có xu hướng dịch chuyển sang các doanh nghiệp kinh doanh online” - bà Hà chia sẻ.

Do vậy doanh nghiệp nào đã chuyển đổi số trước giai đoạn dịch cũng có lợi thế trong quá trình xử lý kinh doanh và tinh gọn hơn. Điều này có khả năng tạo ra sự “dịch chuyển” trong niềm tin của người tiêu dùng. Giao tiếp khách hàng cũng sẽ phải tăng cường qua các nội dung số.