Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm chủ đập thuỷ điện không thực hiện biện pháp ứng phó khẩn cấp bão số 13

Một công trình thuỷ điện tại Thừa Thiên - Huế chưa được phép tích nước nhưng đã bất tuân lệnh ngay trong thời điểm cơn bão số 13 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải cưỡng chế thuỷ điện này mở hoàn toàn 5 cửa van để đảm bảo an toàn phòng, chống bão, lũ.

Củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm chủ đập thuỷ điện không thực hiện biện pháp ứng phó khẩn cấp bão số 13 - Ảnh 1.

Công trình nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật

Trưa 14/11, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh này đã chỉ đạo xử lý nghiêm chủ đập thuỷ điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) theo đúng quy định; đồng thời giao các cơ quan liên quan cũng cố hồ sơ, xử lý sau bão số 13.

Để chủ động ứng phó với bão số 13, mưa lớn diện rộng, lũ quét, sạt lở đất và nhằm đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân khu vực công trình và hạ du nhà máy thủy điện Thượng Nhật, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam (Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật) vận hành mở 5 cửa van của nhà máy thủy điện Thượng Nhật về trạng thái mở hoàn toàn để đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du.

Giao Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Công an huyện Nam Đông và Công an xã Thượng Nhật giám sát 24/24 giờ việc chấp hành mở hoàn toàn 5 cửa van nhà máy thủy điện Thượng Nhật.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung ngưng mua điện của nhà máy thủy điện Thượng Nhật cho đến khi nhà máy tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý an toàn đập.

Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Thượng Nhật phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng con người, tài sản của nhà máy.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở Công Thương, UBND huyện Nam Đông theo dõi việc chấp hành nội dung Công điện ngày 14/11 của Chủ tịch tỉnh về tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 13, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chính quyền tỉnh đã phải triển khai biện pháp cưỡng chế Thủy điện Thượng Nhật, buộc chủ đập mở 5 cửa van để ứng phó với bão số 13.

Trước đó, ngày 12/11, Chỉ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Công điện về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 13.

Nội dung công điện yêu cầu các công trình thuỷ điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, các công trình không đảm bảo điều kiện vận hành an toàn không được vận hành phát điện, duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn; giao sở Công thương kiểm tra các công trình thủy điện đang thi công thực hiện các nội dung phương án đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Cương quyết xử lý các chủ đập không thực hiện đúng pháp luật về Phòng chống thiên tai.

Công trình Thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thuỷ điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước.

Dù chưa được phép tích nước và đã được yêu cầu duy trì cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn để ứng phó cơn bão số 13, nhưng chủ đập thuỷ điện Thượng Nhật đã không chấp hành. Theo đó, vào sáng 13/11, lực lượng Công an xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) phát hiện hồ thủy điện này đang tích nước ở cao trình 115m. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Nam Đông đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời đối với chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật.

Điều đáng nói, thuỷ điện Thượng Nhật cùng từng bị Sở Công thương Thừa Thiên - Huế "tuýt còi" do vi phạm quy định ứng phó cơn bão số 9 hồi tháng 10 vừa qua. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung, đề nghị không mua điện đối với Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, cho đến khi được UBND tỉnh cho phép tích nước.

Không những thế, dự án nhà máy thuỷ điện Thượng Nhật cũng từng gây phẫn nộ dư luận vì tốc độ xây dựng siêu "rùa bò"; đồng thời chậm thanh toán tiền đền bù mặt bằng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương.