Trước đó, trưa 8/12, khi đang ngồi chờ tại sân bay thì bệnh nhân đột ngột rối loạn tri giác, người nhà gọi hỏi bệnh nhân không trả lời, không biết gì. Nhân viên y tế tại đội sân bay đã đến sơ cứu và đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Thống Nhất.
Bệnh nhân nhập viện vào lúc 12 giờ 42 phút cùng ngày, sau 2 giờ bị đột quỵ với tình trạng nói đớ, yếu nửa bên, thực hiện y lệnh lúc đúng, lúc sai. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã kích hoạt và khởi động quy trình cấp cứu đột quỵ não cấp giờ vàng. Các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân khá nặng và tiếp tục có diễn biến xấu, không tiếp xúc được, liệt hoàn toàn nửa người bên phải.
Kết quả, chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị tắc mạch máu não, tắc động mạch lớn trong nội sọ. Các bác sĩ đã quyết định sử dụng phối hợp thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp nội mạch. Thời gian can thiệp tái thông mạch máu cho bệnh nhân mất 60 phút.
Sau khi được tái thông thành công, bệnh nhân đã tỉnh, tri giác gần như về bình thường, tay phục hồi 4/5, chân phục hồi 5/5, có thể cầm nắm đồ vật nhẹ nhưng còn nói khó.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất, trong quý 4 năm 2019 và 2 quý đầu năm 2020, trung bình mỗi quý, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 ca bị đột quỵ, trong đó khoảng 73% bị nhồi máu não, còn lại là xuất huyết não.
Các bác sĩ khuyến cáo, cần phát hiện các dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ để đưa đến các đơn vị có chức năng can thiệp đột quỵ kịp thời. Cụ thể, Hội Đột quỵ thế giới đưa ra cách nhận biết người đột quỵ như sau là F (face: phần mặt hoặc miệng đột nhiên bị méo); A (Arms): Tay chân một bên đột nhiên như không có cảm giác; S (speech): đột nhiên nói ngọng hoặc không phát âm không rõ; T (Time): nhanh chóng ghi nhớ thời gian, lập tức đưa đến bệnh viện.